Hội thảo “Việt Nam – Châu Phi – Trung Đông: Đối tác mới cho sự phát triển”
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Phi tăng từ 2,07 tỷ USD năm 2009 lên 4,77 tỷ USD năm 2011 và uớc đạt 1,81 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2012. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi chủ yếu gồm gạo, dệt may, giày dép, sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện phụ tùng, hoá chất... Thị trường xuất khẩu quan trọng là Nam Phi, Ai Cập, Senegal, Ghana, Bờ Biển Ngà, An-giê-ri, Nigeria, Mô-dăm-bích, Ma-rốc. Ngoài lĩnh vực thương mại, hợp tác công nghiệp và đầu tư giữa hai bên cũng bắt đầu được mở rộng. Các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai hợp tác đầu tư khai thác dầu khí ở Algeria; xúc tiến các dự án hợp tác thăm dò dầu khí tại Tuynidi, Madagasca, Ai Cập, Sudan...; đã đầu tư vào Châu Phi trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy; nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư để lắp ráp, sản xuất máy nông cụ tại Tanzania; đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mô-dăm-bích.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông tăng mạnh trong thời gian gần đây, năm 2010 đạt 3,31 tỷ USD, năm 2011 đạt 5,17 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3,95 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất là UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, I-xra-en, I-rắc với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có điện thoại di động và linh kiện, sợi các loại, hàng hải sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, giày dép, hạt điều, gạo, cao su, chè, sản phẩm gỗ, sản phẩm sắt thép, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, sản phẩm chất dẻo, cơm dừa sấy khô… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, dầu DO, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, phân kali, phân urea, sản phẩm từ dầu mỏ khác, máy móc thiết bị phụ tùng, thức ăn gia súc và nguyên liệu, lưu huỳnh, vải, hóa chất, sản phẩm chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may da giày, linh kiện phụ tùng ô tô, sản phẩm đá quý và kim loại quý từ các thị trường quan trọng là Cô-oét, Ả-rập Xê-út, UAE, Ca-ta, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, đầu tư chủ yếu tập trung vào các đối tác như Cô-oét, UAE, Ả-rập Xê-út, I-xra-en. Tình hình triển khai các dự án hợp tác tiến triển thuận lợi, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán và các doanh nghiệp sẽ có các tham luận trao đổi nhằm nêu ra những khó khăn hoặc vướng mắc cần giải quyết, khả năng và nhu cầu của nhau, cách thức tiếp cận thị trường lẫn nhau, những cơ hội giao thương, để cùng tìm ra những định hướng và biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại giữa các bên. Cũng tại hội thảo, sẽ có các cuộc gặp gỡ tọa đàm trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Châu Phi để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Bên lề hội thảo, các doanh nghiệp Châu Phi sẽ có các buổi đi thăm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam để trực tiếp khảo sát thị trường và mở rộng quan hệ trao đổi thương mại. Các doanh nghiệp quan tâm đến tham dự hội thảo, xin liên hệ Ban Quan hệ quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ms. Chi hoặc Mr. Sơn).