Hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” tại Hà Nội
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT); ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam; ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen và các diễn giả đến từ Văn phòng luật sư, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với hơn 100 đại biểu từ các hiệp hội, các doanh nghiệp, giảng viên các trường Đại học, các Sở Công Thương và các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay, các nước có xu hướng ngày càng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh thuế) nhằm hạn chế tác động của hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài và bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã có các quy định pháp luật khá hoàn chỉnh và đầy đủ về việc thực thi 03 Pháp lệnh Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết các quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nội dung của hội nghị được chuyển tải nhằm giới thiệu những công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác kháng kiện, khởi kiện và giúp các doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị có liên quan của Việt Nam hiểu hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại; góp phần bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng Việt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Thái Ninh – Phó trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước – Cục QLCT cho biết việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là sự cạnh tranh khắc nghiệt. Khi tham gia Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan; từ đó hàng hóa từ nước ngoài có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn thâm nhập thị trường, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Ngành sản xuất của Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, khi giá hàng hóa không cạnh tranh được đồng thời cũng không xuất khẩu được.
Hiện nay, biện pháp truyền thống được các nước thường áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước là biện pháp thuế quan. Khi hội nhập sâu rộng, mức độ cắt giảm thuế quan càng nhanh càng mạnh thì hàng rào thuế quan không còn tác dụng. Thay vào đó là biện pháp hàng rào kỹ thuật; vậy nhưng ở Việt Nam, khi xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao thì hạn chế sản xuất trong nước, nếu xây dựng thấp thì các nước dễ dàng đáp ứng.
Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, Không ai có thể hiểu rõ nhất ngành nghề mình đang kinh doanh bằng chính mình, vấn đề là phải cởi bỏ tâm lý e ngại khi phải cung cấp số liệu cho Cục QLCT, bởi theo quy định của WTO các số liệu sản lượng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư… sẽ được bảo mật và phải được doanh nghiệp (DN) cung cấp thật cụ thể, thật chính xác. Nếu không cung cấp các số liệu này cho Cục QLCT thì việc hỗ trợ cho các DN sẽ rất khó khăn. Các DN nên cởi bỏ vấn đề này và xem đây là cơ quan hỗ trợ trong các vấn đề có liên quan đến PVTM. Ngoài ra, khi đi kháng kiện ở các cơ quan nước ngoài, các DN nên thông báo ngay với Cục QLCT để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ DN, trong đó, các DN cần chú ý, theo quy định của TWO, muốn đứng đơn kiện, nguyên đơn phải chiếm ít nhất 25% thị phần, trong khi DN Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, khi vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, dù chưa biết kết quả ra sao, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những thiệt hại về thời gian theo đuổi vụ kiện, chi phí tốn kém không nhỏ. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, việc đầu tiên các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể làm là chủ động phân bố thị trường rộng hơn. Ông Nguyễn Văn Sưa cũng nhấn mạnh vì là người đi sau nên kinh nghiệm về phòng vệ thương mại chắc chắn thua kém doanh nghiệp của nhiều quốc gia. Do đó, doanh nghiệp buộc phải học hỏi thật nhanh, nghiên cứu thật sâu và không nên bi quan về vấn đề nguồn lực. Vấn đề chính là phương pháp và cách thức tổ chức để luôn là người chủ động. Khi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt đến phòng vệ thương mại thì mọi khó khăn có thể vượt qua.”
Cũng trong Hội nghị, Luật sư Đinh Ánh Tuyết – Văn phòng luật sư IDVN đã có bài trình bày về sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, mục tiêu và chiến lược.
Kết luận buổi Hội nghị, ông Nguyễn Phương Nam đã đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp đó là cần phải nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như là các nhà sản xuất trong nước tích cực phối hợp, hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt vụ việc, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, doanh nghiệp thành viên, liên minh có cùng lợi ích tại nước sở tại như các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, nhà phân phối, chế biến, chủ động giữ liên lạc với cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư, vận động hành lang, quan hệ công chúng, tổ chức công tác kháng kiện và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.