Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị liên quan
Đây là hội nghị quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, thảo luận về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-46, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã tham dự: Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 28; Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 17; Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 12; Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và các đối tác là Ca-na-đa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và Trung Quốc; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 2; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 6; Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác phát triển ASEAN và Tiểu vùng Mê Công (AMBDC) lần thứ 16; Hội nghị Bộ trưởng Mê Công-Nhật Bản lần thứ 6; và Các phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp một số nước đối tác.
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và đối tác đã ký 7 văn kiện quan trọng bao gồm: Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN-Ấn Độ và Hiệp định Đầu tư ASEAN-Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác kinh tế toàn diện; Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS); Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA); Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Ốt-xtrây-lia-Niu Di-lân (AANZFTA); Chỉ thị ASEAN về Thiết bị y tế (AMDD); và Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng thống nhất khẳng định ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Đến nay, ASEAN đã thực hiện được 82,1% các biện pháp ưu tiên đề ra năm 2013 theo Chương trình Nghị sự Phnôm Pênh 2012 nhằm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015. Việt Nam là một trong hai nước có mức độ thực hiện cao nhất, đạt 90%.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các Bộ trưởng ghi nhận kết quả tích cực về tự do hóa thuế quan mà các nước ASEAN đạt được, quan trọng nhất là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức bình quân 89% biểu thuế về mức 0%. Các nội dung hợp tác khác như xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, Cơ chế hải quan một cửa, hệ thống quá cảnh hải quan, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, v.v. cũng đạt được nhiều tiến triển tích cực.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng hoan nghênh việc hầu hết các nước ASEAN đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 9 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS). Từ năm 2013, ASEAN đã tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của Hiệp định AFAS. Các Bộ trưởng đưa ra một số chỉ đạo để nhóm đàm phán sớm hoàn tất Hiệp định ATISA nhằm mở rộng và tăng cường hội nhập khu vực dịch vụ ASEAN vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong lĩnh vực đầu tư, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình thực hiện Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). Các Bộ trưởng đã ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định ACIA nhằm đặt ra quy trình sửa đổi Hiệp định và Danh mục bảo lưu của Hiệp định, hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa hơn nữa môi trường đầu tư.
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng cũng xem xét tình hình hợp tác trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, kết nối, phát triển hạ tầng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công-tư trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hoan nghênh các hoạt động có sự tham gia của khu vực tư nhân như Đối thoại công-tư lần thứ nhất về các ngành công nghiệp mới, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai, các phiên tham vấn giữa các Bộ trưởng với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EABC) được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần này.
Về hợp tác với các nước ngoài khối, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định mong muốn của ASEAN thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước và khu vực đối thoại. Các Bộ trưởng tập trung xem xét tình hình đàm phán và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như các vấn đề hợp tác giữa ASEAN và các đối tác nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế trong khu vực. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hình thành nhiều cấu trúc, sự đan xen, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau về kinh tế thông qua thương mại và đầu tư, đặc biệt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN đã tích cực thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm của mình trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, thể hiện qua việc đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và Trung Quốc (là Hiệp định FTA lớn nhất trên thế giới hiện đang được đàm phán).
Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã phê duyệt Định hướng xây dựng AEC sau năm 2015, Khung trình độ ASEAN (AQRF), Tài liệu về các yếu tố đàm phán nâng cấp Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Bộ công cụ theo dõi tiến triển hướng tới các mục tiêu của Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế đồng đều (AFEED) nhằm tạo ra các khuôn khổ vững chắc cho việc triển khai các nội dung tăng cường hợp tác, hội nhập.
Chủ động và tích cực hội nhập ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Với tinh thần đó, tại Hội nghị AEM-46 và các hội nghị liên quan lần này, ta đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy ưu tiên cao nhất hiện nay là xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 và thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác ngoại khối. Các nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập với ASEAN. Mặc dù là một trong bốn nước gia nhập ASEAN sau nhưng Việt Nam thuộc nhóm một số ít nước có tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN ở mức cao nhất.
Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-46 lần này, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác giữa bốn nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế CLMV lần thứ 6.
Bên cạnh các hoạt động chính thức, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều cuộc gặp bên lề với các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng các nước đối tác để thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại song phương. Việt Nam đã có trao đổi cấp Bộ trưởng với Hàn Quốc, Liên bang Nga và Hoa Kỳ để bàn các nội dung hai bên quan tâm, đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng cũng đã trao đổi với Bộ trưởng một số nước ASEAN như In-đô-nê-xia, Ma-lay-xia và Phi-lip-pin để triển khai một số thỏa thuận trước đó về việc thúc đẩy thương mại song phương đối với gạo và một số mặt hàng nông-thủy sản khác.
Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN năm 2013 đạt 40,1 tỷ USD.