Hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nâng cao năng lực xuất khẩu
Một trong những rào cản lớn đối với ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong quá trình phát triển thị trường nước ngoài chính là năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Trên thị trường quốc tế, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang tụt bậc do mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… nên thường gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU – nơi có nhiều quốc gia cùng tham gia cạnh tranh xuất khẩu. Các hợp tác xã, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cũng thiếu trầm trọng nhân sự có năng lực chuyên môn sâu về marketing xuất khẩu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nước ta hiện là vấn đề cấp thiết, có tính sống còn đối với kinh tế nông thôn nói riêng, kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đã được nhiều chuyên gia trong ngành đặt ra bao gồm sự cần thiết xây dựng cụm sản xuất hàng xuất khẩu có tính liên kết chặt chẽ, hợp lý hóa giữa các công đoạn để vừa giảm giá thành vừa nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường nhận thức, năng lực xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, gồm nhóm hàng đáp ứng thị hiếu của thị trường nước ngoài với số lượng lớn, giá cả hợp lý và các sản phẩm tinh xảo, cao cấp để có doanh thu xuất khẩu cao; nâng cao quản trị nguồn nhân lực; đa dạng hình thức xúc tiến thương mại và xuất khẩu…Để thực hiện các giải pháp này cần sự vào cuộc của cả xã hội, sự nỗ lực vận động của chính các hợp tác xã, doanh nghiệp và sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh…
Ở góc độ xúc tiến thương mại, nhằm giúp ngành tối ưu hóa khả năng xuất khẩu, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện đa dạng các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các hợp tác xã và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Thông qua các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm cũng như các hoạt động từ các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế, Cục luôn dành ưu tiên cao cho việc thực hiện hàng loạt các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong nước như hỗ trợ Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) tổ chức các kỳ Hội chợ Quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ – Vietnam Lifestyle, hỗ trợ Hiệp hội gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA).
Hàng năm, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài tổ chức các Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ tại các thị trường như Hoa Kỳ (Hội chợ High Point, Las Vegas), Đức (Hội chợ Ambiente), Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đáng chú ý, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; giới thiệu, quảng bá sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)… và tổ chức thường xuyên các chương trình hội thảo, đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về nghiên cứu thị trường, marketing xuất khẩu, kỹ năng tham gia hội chợ triển lãm, nghiệp vụ xúc tiến thương mại, kỹ năng xây dựng, phát triển mẫu mã sản phẩm.
Các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ nâng cao năng lực nói trên đã góp phần quan trọng cung cấp những nền tảng kiến thức hữu ích và thực hành giá trị về nghiệp vụ phát triển thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, thu hút mối quan tâm của doanh nghiệp và người tiêu dùng quốc tế đối với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, quảng bá thương hiệu sản phẩm mạnh mẽ ra thị trường quốc tế…
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn, cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống của doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại đã liên tục tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến, kết nối nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam với các đối tác quốc tế. Các hoạt động này đã giúp doanh nghiệp tăng cường nhận thức, trải nghiệm marketing xuất khẩu để trau dồi tốt hơn năng lực xuất khẩu của chính doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng ra thị trường thế giới.