Điểm tin Thị trường Thái Lan từ ngày 07 - 11/12/2020
1. Thái Lan giành giải thưởng gạo ngon nhất thế giới
Sau 02 năm để mất vị trí gạo ngon nhất thế giới, gạo hom mali của Thái Lan đã vượt qua nhiều đối thủ gồm Việt Nam, Cam-pu-chia, Trung Quốc và Mỹ để giành lại vị trí này tại Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 12 vừa được tổ chức trực tuyến ngày 04/12. Lần cuối Thái Lan giành vị trí này vào năm 2017. Lần lượt trong 02 năm 2018 và 2019, gạo Malys Angkor (Cam-pu-chia) và ST24 (Việt Nam) giành vị trí này.
Việc giành giải thưởng này không chỉ mang lại lợi ích lớn cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo cả Thái Lan, cam kết chất lượng nổi trội của gạo nước này trên thị trường quốc tế. Trọng tâm chương trình xúc tiến gạo giai đoạn 2020-24 sẽ tập trung vào hoạt động quảng bá, thúc đẩy phát triển 12 giống gạo mới. Dự báo gạo Thái Lan đạt kim ngạch xuất khẩu 5,8 triệu tấn trong năm nay và 7 triệu tấn trong năm 2021.
2. Tiêu dùng nhiên liệu giảm 13%
Trong 10 tháng đầu năm, tiêu dùng nhiên liệu của Thái Lan giảm 13% do kinh tế suy thoái, hạn chế đi lại bằng đường hàng không và đường bộ do ảnh hưởng dịch cúm Covid-19. Theo thống kê, mức tiêu dùng chỉ đạt 137 triệu lít/ ngày, giảm so với mức 157 triệu lít/ ngày cùng thời điểm năm 2019. Trong đó, tiêu dùng nhiên liệu hàng không giảm mạnh nhất 54,9% từ mức 19,3 lít/ ngày xuống mức 7,8 lít/ ngày. Nhu cầu xăng cũng giảm 2,4% từ mức 32,1 lít/ ngày xuống mức 31.3 lít/ ngày; nhiên liệu dầu diesel giảm 3,6% từ mức 67,1 lít/ ngày xuống mức 64,6 lít/ ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên tiêu dùng nhiên liệu giảm tại Thái Lan. Trong thời gian khủng hoảng tài chính Châu Á, tiêu dùng nhiên liệu nước này giảm 0,4%. Trong tháng 10/2020, Hội đồng Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Thái Lan đã nâng triển vọng kinh tế 2020 từ -8,1% lên mức -7,6%. Điều này cho thấy những triển vọng tích cực phát triển kinh tế.
3. Triển vọng xuất khẩu Thái Lan năm 2021
Hội đồng các nhà vận tải của Thái Lan kỳ vọng xuất khẩu nước này sẽ tăng trưởng trở lại đạt mức 3-5% trong năm 2021 nhờ những lợi ích tích cực của Hiệp định RCEP, tiến triển trong việc nghiên cứu vaccine chữa trị Covid-19 và phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Theo tính toán, để đạt được mức tăng trưởng 3-5%, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2021 phải đạt trung bình 19,6 – 20.04 tỉ USD/ tháng trong năm tới.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến xuất khẩu bao gồm đồng Bạt tăng giá, sự thiếu hụt container, chi phí vận chuyển tăng và dịch cúm tái phát tại Mỹ và Châu Âu, chi phí tăng cao do những yêu cầu, hạn chế áp dụng bởi các đối tác thương mại bao gồm Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu cũng sẽ là những trở ngại trong quá trình giao thương.
Theo Hội đồng các nhà vận tải của Thái Lan, dự báo xuất khẩu của nước này sẽ giảm -6-7% trong năm nay, tăng so với dự báo -10% đưa ra hồi tháng 07/2020 nhờ kinh tế toàn cầu đã có sự phục hồi đáng kể. Nếu Thái Lan đạt kim ngạch xuất khẩu 19,3 tỉ USD trong tháng 12/2020, mức tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt dưới -7%.
4. Thái Lan mở rộng áp dụng chương trình visa đặc biệt cho tất cả du khách quốc tế
Thái Lan vừa mở rộng áp dụng chương trình visa đặc biệt cho tất cả du khách quốc tế với điều kiện chấp nhận quy định cách ly 14 ngày. Trước đó, chương trình visa đặc biệt chỉ được chấp thuận cho du khách đến từ một số quốc gia với mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, chương trình không mang lại hiệu quả khi chỉ triển khai được cho 825 du khách đến từ 29 quốc gia và 06 doanh nghiệp du thuyền cao cấp.
Với việc mở rộng áp dụng visa đặc biệt, nội các Thái Lan không chỉ chấp nhận du khách đến từ tất cả quốc gia mà còn gia hạn thời gian du khách tham gia hành trình trên du thuyền từ 30 lên 60 ngày. Trước đó, có nhiều thông tin về việc Thái Lan có khả năng cao đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai trong cộng đồng, tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã trấn an dư luận và khẳng định việc này sẽ không xảy ra như những tin đồn hiện nay.