Để chinh phục thị trường EU, doanh nghiệp cần giữ gìn phát triển thương hiệu
EU có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nếu doanh nghiệp không chú ý sẽ gặp nhiều rủi ro. Hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường xây dựng thương hiệu để hướng tới mục tiêu xuất khẩu ổn định và bền vững.
Các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; bảo đảm nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)... Cùng với đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những quy định trong các Công ước quốc tế mà EU tham gia như: Công ước CITES nhằm bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU…
Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng SPS Việt Nam, 02 năm kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực (tháng 08/2020 - 08/2022), EU đã công bố khoảng 71 dự thảo và điều chỉnh khoảng 146 quy định liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban Châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM(2021)706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn…
Trước đó, EU cũng đã ban hành chương trình phối hợp kiểm soát việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Với quy định này, các quốc gia thành viên EU sẽ lấy và phân tích mẫu ngẫu nhiên sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Ngoài kiểm tra tại cửa khẩu, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước EU còn lấy mẫu kiểm tra trên thị trường. Với hàng dệt may, EU hướng tới mục tiêu đến năm 2030 các sản phẩm đưa vào thị trường có tuổi thọ cao, có thể tái chế, không chứa chất độc hại, quy trình sản xuất đảm bảo các quyền xã hội và môi trường…
Tìm hiểu đối tác, cách thức giao thương phù hợp
Hàng hoá Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần tại châu Âu, tuy nhiên để tận dụng được lợi thế đang có, cùng với việc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng việc tiếp cận hệ thống phân phối tại từng thị trường đích.
Về cơ bản, hệ thống phân phối của EU cũng giống như hệ thống phân phối của một quốc gia, bao gồm mạng lưới bán buôn và mạng lưới bán lẻ; tham gia vào hệ thống phân phối này là các công ty xuyên quốc gia, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các công ty bán lẻ độc lập…, trong đó hình thức tổ chức phổ biến nhất của các kênh phân phối trên thị trường EU là theo tập đoàn và không theo tập đoàn.
Kênh phân phối theo tập đoàn nghĩa là các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu của một tập đoàn chỉ cung cấp hàng hóa cho hệ thống cửa hàng và siêu thị của tập đoàn này mà không cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của tập đoàn khác. Ngược lại, đối với kênh phân phối không theo tập đoàn thì các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu của một tập đoàn không chỉ cung cấp hàng hóa cho hệ thống cửa hàng và siêu thị của tập đoàn này mà còn cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của tập đoàn khác và các công ty bán lẻ độc lập. Đặc biệt, rất ít trường hợp các siêu thị lớn hoặc các công ty bán lẻ độc lập mua hàng trực tiếp từ nhà xuất khẩu.
Các nhà bán buôn và bán lẻ trong hệ thống phân phối của EU thường có quan hệ làm ăn lâu đời và rất ít khi mua hàng của những nhà cung cấp không quen biết cho dù giá hàng có rẻ hơn nhiều, vì uy tín kinh doanh với khách hàng được họ đặt lên hàng đầu mà muốn giữ được điều này thì hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và nguồn cung cấp ổn định. Họ liên kết với nhau chặt chẽ thành một chuỗi trong kinh doanh bằng các hợp đồng kinh tế. Các cam kết trong hợp đồng được giám sát nghiêm ngặt bởi các quy định của pháp luật kinh tế. Vì vậy mà các nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu rất cao về việc tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng, đặc biệt là chất lượng, các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng.