"Xanh hoá doanh nghiệp" để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA
Theo kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp, cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…
Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch COVID-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.
Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Theo VCCI, các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững của EU là một xu thế chung tất yếu. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Đối với nhiều quy định của EU liên quan đến xanh bền vững, nhiều ngành hàng đã, đang thực hiện. Như, các yêu cầu liên quan đến việc giảm sử dụng phân bón hóa học là những chất mà có thể gây hại cho đất cũng nằm trong chương trình xanh và thể hiện ra là việc họ thay đổi và giảm lượng tồn dư thuốc kháng sinh cho phép trong các sản phẩm hàng hóa, rất cụ thể.
Liên quan đến các cơ hội đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam từ EVFTA, giới chuyên gia cho rằng, cơ hội chủ yếu nằm ở câu chuyện tận dụng các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA này. Vì vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay các yêu cầu về phát triển bền vững của EU là một xu thế chung và khi hàng hóa của Việt Nam tuân thủ và thực hiện được những yêu cầu đó thì chúng ta có nhiều cơ hội hơn để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Theo một khảo sát nhanh của VCCI mới đây cũng cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề xanh và phát triển bền vững. Số liệu khảo sát cho thấy có đến gần 70% doanh nghiệp Việt Nam đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm hay đến gần 80% doanh nghiệp Việt Nam có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU. Chiến lược dệt may khoảng gần 60%; CBAM ít hơn nữa bởi vì hiện nay nó mới giới hạn ở 6 loại sản phẩm mà trong đó phần lớn không phải là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu. Điều đấy cho thấy các doanh nghiệp của chúng ta đã bắt đầu biết đến các vấn đề về kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững.