Một số giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường theo EVFTA
Hiệp định EVFTA bao gồm 17 Chương và các nội dung liên quan đến môi trường tại Chương 17 về Phát triển bền vững. Các cam kết và nghĩa vụ liên quan đến môi trường được thiết lập trong EVFTA nhằm tăng cường tính tương hỗ giữa chính sách về thương mại và môi trường, đảm bảo các hoạt động về thương mại, đầu tư sẽ không có tác động/ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề bảo vệ môi trường.
Việt Nam cần chuẩn bị, sẵn sàng cho việc thực thi các cam kết và nghĩa vụ về môi trường, trước mắt cần phải có một kế hoạch hành động cụ thể, toàn diện nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước, tương thích với các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các hiệp định MEAs và EVFTA. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường phù hợp, hài hòa (tiệm cận) với hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và quốc tế.
Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý môi trường: Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, tăng các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực cho bảo vệ môi trường: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về thương mại liên quan đến môi trường và môi trường liên quan đến thương mại, cũng như tăng cường năng lực, trình độ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ/chuyên gia pháp lý của các Bộ, ngành liên quan; đầu tư cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế khuyến khích khối tư nhân tham gia vào các hoạt động thương mại, dịch vụ liên quan đến môi trường nhằm tận dụng các nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi về việc tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các EVFTA cho mọi thành phần và đối tượng, đặc biệt cho các đối tượng là doanh nghiệp; thông tin về hậu quả, tác động của việc vi phạm các cam kết, nghĩa vụ này, đồng thời khuyến khích sự tham gia, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ năm, thiết lập cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường trong EVFTA: Nội dung các cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong EVFTA liên quan đến nhiều Bộ, ngành và lĩnh vực. Vì vậy, để đảm bảo thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết, nghĩa vụ này cần phải thiết lập các cơ chế phối hợp, hợp tác liên ngành ở Trung ương, địa phương và giữa Trung ương với địa phương.
Bên cạnh việc phối hợp, hợp tác thực thi các cam kết, nghĩa vụ, các cơ chế phối hợp này còn đặc biệt cần thiết, quan trọng khi phải giải quyết các vấn đề phát sinh (ví dụ các tranh chấp về thương mại liên quan đến môi trường) trong quá trình thực hiện EVFTA.
Đối với các doanh nghiệp, để tiếp tục duy trì chỗ đứng trên thị trường, mở rộng và phát triển hàng hóa, dịch vụ sang thị trường các nước phát triển, việc quan trọng hiện nay là: Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường của các nước, thị trường phát triển, chú trọng các giải pháp về quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao liên quan đến môi trường của các quốc gia, thị trường này.