Hiệp định EVFTA và những cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là đối tượng sở hữu trí tuệ mà EU đặc biệt quan tâm do khối này có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy, trong Hiệp định EVFTA, cam kết về chỉ dẫn địa lý cũng thể hiện rõ sự quan tâm này, với các cam kết khá đặc thù.
Cụ thể, về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA chỉ áp dụng đối với bốn nhóm sản phẩm: (i) Rượu vang; (ii) Đồ uống có cồn; (iii) Nông sản; (iv) Thực phẩm. Trên thực tế, thì bốn nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý.
Về cơ chế bảo hộ, tuy không đề cập trực tiếp, nhưng Hiệp định EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu thông qua cam kết về quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, hiện cả Liên minh châu Âu và Việt Nam đều bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo một cơ chế riêng, độc lập với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, trong khi Hoa Kỳ và một số nước lại bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một loại của nhãn hiệu, theo cơ chế bảo hộ chung của nhãn hiệu. Vì vậy, cam kết về vấn đề này thực chất là để ràng buộc Việt Nam trong các cam kết, đàm phán sau này liên quan tới chỉ dẫn địa lý với các đối tác khác.
Về mối quan hệ với nhãn hiệu, Hiệp định EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Chương 12 của Hiệp định EVFTA có 02 Phụ lục GI-I và GI-II (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm), trong đó liệt kê 171 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ) mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… của quy trình thông thường. Theo cam kết tại Hiệp định, danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ (trong đó có chỉ dẫn địa lý).
Danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có thể được bổ sung theo thủ tục sửa đổi Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, những chỉ dẫn địa lý đã bị chấm dứt bảo hộ ở Bên xuất xứ thì cũng bị chấm dứt bảo hộ theo Hiệp định mặc dù chưa bị xóa khỏi Danh mục. Hiệp định cũng quy định ngoại lệ và thời gian chuyển tiếp cho việc bảo hộ một số chỉ dẫn địa lý như “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” (cho sản phẩm trong nhóm pho mát); “Feta” (cho sản phẩm trong nhóm pho mát làm từ sữa cừu hoặc sữa cừu và sữa dê) và “Champagne” (cho sản phẩm trong nhóm rượu vang).
Hiệp định EVFTA thậm chí còn có các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm được liệt kê này (ví dụ chủ thể quyền phải được phép ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ nước xuất xứ được liệt kê, ngăn cản việc sử dụng các thiết kế hoặc trình bày theo bất kỳ cách nào khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó…).
Về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là bốn nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh (rượu, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm) bảo đảm các yêu cầu, gồm: Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình; Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó; Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe; Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền.
Về những cam kết thực thi, Hiệp định EVFTA yêu cầu Việt Nam EU phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của thực phẩm, đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại.