Hiện thực hóa chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Thực tiễn ở Petrolimex
1 chủ trương
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - đó là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.
Chủ trương này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn: nhiều doanh nghiệp không thể bảo đảm được công ăn việc làm cho người lao động. Có trường hợp vẫn có việc làm những không thường xuyên. Trong cả 2 trường hợp này, chắc chắn thu nhập của người lao động cũng vì thế mà bị giảm theo.
Khi không duy trì được công ăn việc làm và thu nhập của người lao động thì vấn đề kinh tế sẽ trở thành vấn đề xã hội.
Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì lợi ích đạt được ở rất nhiều phương diện, chỉ một hành động nhỏ cũng có ý nghĩa lớn lao.
Ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam |
2 hành động
Để hiện thực hóa chủ trương trên, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã triển khai hàng loạt hoạt động và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Một là, đối với việc đẩy mạnh cung cấp hàng hóa do Petrolimex sản xuất, dịch vụ do Petrolimex cung cấp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Petrolimex đã sử dụng sức mạnh của cả hệ thống để triển khai.
Các mặt hàng đã thành công: dầu mỡ nhờn do PLC sản xuất, Sơn Petrolimex do PITCO sản xuất, nước giặt cao cấp JANA do PTN sản xuất, cột bơm xăng dầu do PECO liên doanh với Nhật bản sản xuất, v.v…
Cái gốc của vấn đề phải là sự tín nhiệm của người tiêu dùng - Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, dịch vụ phải thuận tiện.
Điển hình tiên tiến trong lĩnh vực này là các công ty xăng dầu Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên mà Báo Công Thương và Báo điện tử Chính phủ Việt Nam đã cử phóng viên đi thực tế viết phóng sự, đưa tin.
Hai là, đối với việc sử dụng dịch vụ mua ngoài, Petrolimex cũng đã chỉ đạo các đơn vị ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung cấp; đương nhiên, trên cơ sở bảo đảm một mặt bằng về chất lượng hàng hóa/dịch vụ và giá cả, bảo đảm các quy định hiện hành của nhà nước và pháp luật về họat động này.
5 bài học
Một là, chủ trương đúng phải được biến thành hành động cụ thể nếu không chủ trương sẽ mãi mãi chỉ là chủ trương.
Hai là, người đứng đầu doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương; phải công bố và phải hành động.
Ba là, người tiêu dùng có vai trò quyết định.
Bốn là, công tác tuyên truyền vận động phải thiết thực, phải “thấu tình đạt lý”. Nếu “Tư tưởng không thông thì bình tông vác không nổi”.
Năm là, doanh nghiệp nào thực sự tôn trọng người tiêu dùng, được người tiêu dùng tín nhiệm thì trong lúc khó khăn như hiện nay lại có thể trở thành cơ hội để phát triển, thành công.