Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia
Nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2013, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” là cơ hội trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà làm chính sách, chuyên gia thương hiệu, kinh tế và chính quyền địa phương để làm rõ những vấn đề khái niệm và thực tiễn về xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền; giới thiệu kinh nghiệm của các địa phương về gắn tiếp thị vùng miền với xây dựng thương hiệu quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi về chủ đề phát triển thương hiệu biển Việt Nam với vai trò là công cụ xây dựng hình ảnh quốc gia và tiếp thị cho các ngành kinh tế biển.
Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) tham luận dẫn đề về “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền – Lý thuyết và thực tiễn”. PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại trình bày tham luận “Phát triển thương hiệu vùng miền: Kinh nghiệm từ một số địa phương”. Ông Phạm Quang Mỵ, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có tham luận trao đổi về chủ đề “Thương hiệu biển Việt Nam nhìn từ góc độ phát triển kinh tế biển".
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh, đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
Hai chuyên đề được thảo luận tại Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực trong việc hoàn thiện và thực thi chính sách, phục vụ cho doanh nghiệp trong chiến lược phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua, việc phát triển thương hiệu tại Việt Nam đã có những chuyển biến đáng ghi nhận với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ (thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, sự phối hợp của các Bộ ngành và chính quyền địa phương, doanh nghiệp). Đồng thời nhận được nhiều sự đồng thuận từ xã hội và các phương tiện truyền thông. Điều này đã góp phần tạo động lực thúc đẩy hơn nữa nhận thức của nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân về phát triển thương hiệu.
Tuy còn có những hạn chế, song Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Cùng với thời gian, khung pháp lý, những bước đi cụ thể sẽ được triển khai. Trong quá trình hội nhập, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, thương hiệu biển… sẽ cần hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp để có thể có những sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thị trường trong nước.
Định hướng phát triển thương hiệu vùng miền
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết: “Chương trình Thương hiệu Quốc gia cần định hướng phát triển thương hiệu vùng miền. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền ở Việt Nam còn khá mới mẻ, việc tiếp cận chưa rõ ràng. Thương hiệu vùng miền mới chỉ được đề cập đến ở một khía cạnh xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản. Nhìn nhận theo khía cạnh đó không hoàn toàn đúng. Cần phải nhìn nhận thương hiệu vùng miền một cách khách quan hơn, đầy đủ hơn. Hiện nay, các địa phương đang bắt đầu tiếp cận với vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền, song còn thiếu tính chiến lược”.
PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai trình bày tham luận
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu vùng miền được nhận thức là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của địa phương, qua đó, giúp nâng cao mức sống của địa phương. Việc kết nối với các địa phương lân cận tạo nên sức mạnh của một vùng còn giúp thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch, v.v....
Các ý kiến tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 đã tập trung vào phân tích tìm hiểu những cách thức tiếp cận cũng như cách triển khai thực tế hiện nay ở các địa phương, các miền, các vùng, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó có thể tổng kết được một số kinh nghiệm, giúp cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia đưa ra được định hướng chung trong việc tiếp cận và xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho các địa phương và vùng, miền. Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp thực hiện phát triển kinh tế của địa phương và quốc gia.
Định hướng phát triển thương hiệu biển
Ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo cho biết: “Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh”.
Các vị khách mời tham gia thảo luận tại Diễn đàn
Theo ông Hoàng Duy Đông, cần xây dựng và phát triển thương hiệu biển trên cơ sở phải gắn giữa khai thác với bảo vệ môi trường biển và gắn giữa khai thác nguồn lợi với bảo vệ nguồn lợi lâu dài của biển, đảo. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển là tạo ra phương pháp tiếp cận mới nhằm khai thác các sản phẩm biển, đảo hiệu quả, bền vững. Phát triển thương hiệu biển phải dựa vào các sản phẩm, dịch vụ của biển, đảo đã có sẵn, trong đó chú trọng phát triển vào các sản phẩm biển có thế mạnh, đặc trưng trong một ngành hay một lĩnh vực của kinh tế biển.
Xây dựng thương hiệu biển không chỉ là việc khai thác, sử dụng biển thế nào cho hợp lý, hiệu quả và bền vững mà cần hướng tới việc liên kết giữa các ngành, nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển cho hợp lý, thích hợp để huy động sự tham gia tích cực, sự phối hợp, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu biển.