Đưa dòng khí đầu tiên ngoài khơi vào Tiền Hải - Thái Bình
Tham dự sự kiện này, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đồng chí Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; về phía PV GAS có đồng chí Hồ Tùng Vũ, Phó Tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS mở van đầu vào cung cấp khí cho cho Trung tâm phân phối khí Tiền Hải |
Cụ thể, vào 9 giờ ngày 7/8, dòng khí đầu tiên được đưa từ giếng khoan đến thiết bị công nghệ trên giàn; 9 giờ 45 dòng khí đã đến trạm van (LFS) với áp suất đầu vào là 0,7 barg; 10 giờ10 dòng khí vào đến Trung tâm phân phối khí Tiền Hải (GDC) với áp suất 1 barg; 10 giờ 40 áp suất đầu vào Trung tâm phân phối khí Tiền Hải là 2 barg; 10h45 Đoàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS cùng các Ban của Tập đoàn đến thăm và động viên đội ngũ CB-CNV thực hiện công tác chạy thử và tiếp nhận vận hành của PV GAS; 10 giờ 50 đồng chí Đinh Văn Sơn, thành viên HĐTV Tập đoàn, đồng chí Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, đồng chí Hồ Tùng Vũ, Phó Tổng giám đốc PV GAS đã chính thức mở van đầu vào cung cấp dòng khí đầu tiên cho Trung tâm phân phối khí Tiền Hải đi vào chạy thử thiết bị cho toàn trạm; đến 15 giờ 30 dòng khí đầu tiên đã được đưa lên đuốc đốt và đến 15 giờ 50 đã tiến hành đưa dòng khí sang Trạm phân phối khí thấp áp để sẵn sàng cho việc chạy thử và cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ khí tại Tiền Hải.
Dự án “Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, giai đoạn 1” là dự án được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho PV GAS làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 64,12 triệu USD, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) làm tổng thầu EPC.
Còn Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải (Thái Bình) đã có lịch sử phát triển 30 năm là KCN đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên (KTN) tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Bình, cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam nói riêng. KTN được khai thác từ mỏ Tiền Hải, mỏ D14 và Đồng Quan D, là các mỏ khí trên đất liền, nơi cách đây hơn 30 năm dòng khí đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác. Cho đến nay, nguồn cung cấp KTN cho KCN Tiền Hải đang sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng KTN tại đây ngày càng tăng. Trước thực trạng này, một số hộ tiêu thụ KTN hiện nay tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế khác để sản xuất như: than hóa khí, LPG, dầu DO, FO…; các hộ công nghiệp, nghề sử dụng KTN không thể mở rộng sản xuất và số lượng các doanh nghiệp mới không gia tăng vì thiếu nguồn nguyên/nhiên liệu là khí.
Thăm công tác chuẩn bị tại trạm phân phối |
Dự án “Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1” sẽ là hệ thống chính, quan trọng đưa khí từ ngoài khơi bể Sông Hồng vào bờ, cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp tại KCN Tiền Hải bằng mạng lưới tuyến ống khí thấp áp, đồng thời cung cấp cho các hộ công nghiệp ở xa bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng với sản phẩm khí thiên nhiên nén (CNG). Cấu hình cơ bản của hệ thống (giai đoạn 1) là đường ống dẫn khí 12’’ từ mỏ Thái Bình đến Trung tâm phân phối khí (GDC) trong KCN Tiền Hải – Thái Bình, bao gồm các hạng mục chính như sau:
Tuyến ống 12” dài 25km, xuất phát từ mỏ Thái Bình (lô 102) đi vào điểm tiếp bờ (LFP) nằm trên Cồn Vành, đến Trạm tiếp bờ (LFS) tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình và đến Trung tâm phân phối khí (GDC) trong khu công nghiệp Tiền Hải. Từ trạm phân phối khí (GDC) có các đường ống nhánh dẫn đến các hộ tiêu thụ công nghiệp trong khu công nghiệp Tiền Hải.
Đường ống được thiết kế có các đầu chờ (tie-in) để kết nối các mỏ trong tương lai (lô 103 & 107) và dự phòng cho phương án nhập LNG qua hệ thống kho nổi.
Giàn khai thác khí Thái Bình: theo kế hoạch phát triển mỏ của chủ mỏ là giàn không người (unman). Phần vật tư thiết bị chính trên giàn bao gồm: hệ thống phóng thoi (Pig launcher), hệ thống bơm chất ức chế chống ăn mòn (Injection Inhibitor), giàn ống đứng (riser) và các phụ kiện.
Trạm tiếp bờ (LFS), bao gồm các thiết bị chính như: Van ngắt tuyến (SDV), hệ thống cáp quang kết nối điều khiển với trung tâm phân phối khí, nhà văn phòng, thiết bị lưu trữ điện (UPS) và hệ thống phụ trợ.
Trung tâm phân phối khí (GDC), có diện tích 5ha, bao gồm các hệ thống công nghệ và thiết bị chính gồm: hệ thống nhận thoi (pig receiver), thiết bị tách 3 pha (Separator), thiết bị tách lọc lỏng (Filter – Separator), bồn chứa condensate và hệ thống xuất lên xe bồn, hệ thống Metering, bình tách condensate/nước, hệ thống điều khiển trung tâm, nhà xưởng, văn phòng và các hệ thống phụ trợ như trạm biến áp 35/0.4 KV, máy phát điện dự phòng, hệ thống xử lý nước nhiễm dầu, hệ thống phòng cháy chữa cháy, v.v…
Dòng khí đầu tiên đã được đưa lên đuốc đốt |
Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ tiếp nhận khí từ mỏ Thái Bình và phân phối đến hộ tiêu thụ thông qua kênh phân phối khí thấp áp/CNG (được xây dựng song song với dự án) với sản lượng khí ước tính khoảng 566.400 m3/ngày.
Với việc triển khai dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cùng với các đơn vị thành viên đang làm một bước tiến mới trong việc thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền công nghiệp sử dụng khí tại miền Bắc ngày càng gia tăng, trong khi nguồn cung cấp khí trong nước đang dần suy giảm, Dự án được kỳ vọng sẽ có tác dụng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Dự án “Hệ thống thu gom khí & phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 & 106, giai đoạn 1” cũng đánh dấu sự tiếp tục hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thái Bình và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS, các đơn vị trong ngành dầu khí.