Dòng vốn FDI đang đi vào thực chất
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 30,35 tỷ USD, chiếm 66,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng 17,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của khu vực FDI, tính đến hết tháng 4/2014 đạt 26,25 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ và chiếm 58,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 4 tháng, khu vực FDI xuất siêu 4,09 tỷ USD. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh FDI những tháng đầu năm 2014 và càng sáng hơn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang còn nhiều khó khăn. Điểm sáng thứ 2 của khu vực FDI trong 4 tháng đầu năm là giải ngân FDI trong 4 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Đây được đánh giá là mức tăng khá ấn tượng, và chứng tỏ dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng đi vào thực chất hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng khá của hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI giải ngân, dòng FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 4,855 tỷ USD, bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013. Trong đó, 4 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 390 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 3,22 tỷ USD, bằng 65,4% so với cùng kỳ và 140 lượt dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm là 1,62 tỷ USD, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhớ lại cùng thời điểm này năm 2013, mặc dù vốn FDI giải ngân chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ, Việt Nam đã thu hút được 8,219 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ 2012. Theo đó, vốn đăng ký mới đạt 4,873 tỷ USD, tăng 14,6% và vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,34 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sở dĩ vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 4 tháng đầu năm 2014 giảm mạnh so với cùng kỳ bởi Việt Nam không hút thêm được những dự án FDI có quy mô lên tới “tỷ đô” đăng ký mới hay tăng vốn đầu tư. Trong khi cùng thời điểm năm 2013, Việt Nam đã thu hút một loạt các dự án “tỷ đô” đăng ký mới và tăng vốn đầu tư như dự án đầu tư mới trị giá 2 tỷ USD do Tập đoàn Samsung đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD …
Mặc dù vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm vào Việt Nam chỉ đạt 59,1% so với cùng kỳ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia chưa đủ cơ sở để khẳng định kết quả thu hút FDI trong năm 2014 sẽ thấp hơn so với năm 2013. Bởi chỉ cần có thêm những dự án “tỷ đô” đăng ký đầu tư vào Việt Nam thì tình hình có thể thay đổi. Hiện ngoài dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 27 tỷ USD mà Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đang có ý định đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, theo ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ cũng đang có kế hoạch đầu tư dự án cụm khí điện lên đến 20 tỷ USD tại tỉnh Quảng Ngãi. Nếu 2 dự án “khủng” này trở thành hiện thực trong năm 2014, tình hình thu hút FDI sẽ có nhiều thay đổi.
4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam thu hút được 4,855 tỷ USD vốn FDI đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 1,12 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 531 triệu USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đạt 479 triệu USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.