Điểm báo MOIT tuần từ ngày 27/6 đến ngày 03/7/2016
Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam thì Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng tốt. Trong đó, tôm xuất sang Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh nhất với hơn 34%. Lý do là Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu tôm.
Riêng thị trường EU tăng cường nhập các sản phẩm tôm ăn liền, tôm dễ chế biến và tôm giá trị gia tăng (tôm xiên que hoặc tôm tẩm ướp gia vị) từ Việt Nam.
Theo VASEP, vừa qua nguồn nguyên liệu tôm trong nước khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả xuất khẩu, trong khi các yếu tố cung cầu thị trường vẫn đang có lợi cho tôm Việt Nam.
Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Cuba
Sáng 29/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam- Cuba. Cùng ngày, Báo điện tử Đại Đoàn kết về buổi gặp và khẳng định: "Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư thời gian tới".
Trải qua hơn nửa thế kỷ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau, giữa Việt Nam và Cuba đã ký kết nhiều điều ước kinh tế, thương mại như: Hiệp định về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định về hợp tác du lịch…, thúc đẩy nhiều mặt hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Herminio Lospez Diaz cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước không chỉ là trách nhiệm của hai Chính phủ mà còn phụ thuộc nhiều vào sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. “Chúng tôi rất mong muốn hai nước không chỉ hợp tác về thương mại mà chúng tôi rất mong muốn có sự hiện diện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Cuba.
Đồng thời, Cuba mong muốn tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình sang Việt Nam. Quá trình phát triển trong bối cảnh mới, Cuba rất mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới”- Đại sứ Herminio Lospez Diaz nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Cuba đứng thứ 75 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Từ 1/7, hàng nghìn điều kiện kinh doanh sẽ bị vô hiệu
Theo thông báo từ 11h30, trưa ngày 30/6, Đài Truyền hình Việt Nam, từ 1/7/2016, hàng ngàn điều kiện kinh doanh do các ban, ngành, địa phương đưa ra từ trước đến nay sẽ bị vô hiệu. Đây là đợt rà soát trên diện rộng chưa từng có.
Những điều kiện vô lý như phải có đủ số vỏ bình gas mới được kinh doanh gas hay doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn thóc... sẽ được dỡ bỏ.
Theo tinh thần “người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định này phải do Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành không còn thẩm quyền.
Theo đó, gần 3.300 điều kiện hiện được quy định tại các thông tư, quyết định của các Bộ, ngành đã được rà soát xem xét. Gỡ bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh vô lý... đang được xem là gỡ bỏ những chiếc đinh trên con đường phát triển của doanh nghiệp. Môi trường đầu tư được kỳ vọng sẽ thông thoáng hơn.
Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD
Là chính thức được đưa ra trong Họp báo ngày 30/6/2016 kết luận nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại miền Trung từ tháng 4/2016. Cùng ngày, Báo điện tử Tuổi trẻ Online thông tin cụ thể về những cam kết và bồi thường của Formosa được nêu ra tại Họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo ngay sau khi có sự cố, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo. Bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, chỉ đạo cơ quan khoa học làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp các bộ ngành nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.
Formosa cam kết 5 điểm: một là, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hai là, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Ba là, cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua. Bốn là, phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Năm là, thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
Tháng 7, hoàn tất kế hoạch sử dụng 500 triệu USD đền bù của Formosa
Ngày 01/7/2016, Báo điện tử Người Lao động cho biết, với 500 triệu USD do Formosa đền bù, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân và phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại.
Về việc sử dụng khoản tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỉ đồng) phía Formosa đã cam kết đền bù thiệt hại do gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại miền Trung, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa. “Không thể phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân” - Thủ tướng kiên quyết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao, tại địa phương, những ngư dân đánh bắt gần bờ, ngư dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản tại các xã ven biển, các đầm phá, sau lưng là núi, không có đất sản xuất để chuyển nghề khác sau khi biển đã bị ô nhiễm. Do đó, Lãnh đạo tỉnh đề nghị có chính sách hỗ trợ người dân đóng tàu, chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc đào tạo nghề khác để xuất khẩu lao động, giảm bớt khó khăn hiện tại. Trao đổi lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khoản tiền đền bù không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt mà phải dành chủ yếu cho phát triển lâu dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây đựng dược phương án xử lý khoản tiền 11.500 tỉ đồng đền bù của Formosa sao cho hiệu quả.