Điểm báo MOIT tuần từ ngày 25/01 đến 31/01/2016
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần CMC (chuyên sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng), trên thực tế giá xăng dầu không được đưa vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, lại càng không đưa vào giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới giảm kéo theo giá xăng dầu trong nước, cũng ảnh hưởng tích cực tới hoạt động vận tải, chuyên chở của doanh nghiệp. Nhờ đó, cộng dồn vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2015, góp phần tăng nộp ngân sách Nhà nước và mở rộng quỹ lương cho người lao động.
Những thị trường xuất nhập khẩu chính của Việt Nam năm 2015
Báo Hải quan điện tử ngày 29/01/2015 cho biết: . Bài báo cho hay, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, Việt Nam có trao đổi hàng hóa với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số các thị trường trên, số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD đối với xuất khẩu là 29 thị trường, tổng kim ngạch là 147,36 tỷ USD, chiếm gần 90,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Trong khi đó, số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD đối với nhập khẩu là 19 thị trường, tổng trị giá là 150,42 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Cũng theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á năm 2015 đạt 214,9 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2014 và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,6%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Tiếp theo là xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ với kim ngạch 55,42 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm trước và là châu lục đạt mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 46,55 tỷ USD, tăng 9,4%; châu Phi là 5,11 tỷ USD, tăng 9,8%; riêng với châu Đại Dương chỉ đạt 5,79 tỷ USD, giảm tới 16,2%.
Dệt may Việt Nam hưởng lợi trong khi kinh tế toàn cầu gặp khó
Là bài viết đăng tải trên báo điện tử ngày 29/01/2016. Theo đó, trong khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó, người dân thắt chặt hầu bao, thì các nước xuất khẩu may mặc giá rẻ, trong đó có Việt Nam, lại được hưởng lợi. Hãng tin Bloomberg cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh tháng 12/2015 đạt 3,2 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử. Hiện Bangladesh là nước đứng thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu quần áo giá rẻ. Thị trường chính của nước này là Mỹ và Châu Âu, vốn đang có dấu hiệu hồi phục sau khủng hoảng 2008.
Nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ từ Bangladesh trong tháng 11/2015 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Công ty H&M, một trong những khách hàng lớn nhất của Bangladesh cũng đang tăng trưởng tốt. Còn tại Việt Nam, ngành dệt may đã hoàn thành mục tiêu đề ra là 27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v...
Trong những năm gần đây, dệt may Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 21 tỷ USD năm 2013 lên 27 tỷ USD năm 2015, và hiện là một trong những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016
Là thông tin đăng tải trên báo Điện tử ngày 29/01/2016. Theo đó, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, sáng 29/1, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1/2016.
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2016 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp cho biết, trong tháng 1/2016, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch; đồng thời tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
Giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá không tăng so với tháng trước; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, các địa phương đang tập trung lấy nước, làm đất gieo cấy lúa Đông Xuân. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiếp tục được cải thiện; các ngành và địa phương đang tăng cường chỉ đạo bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá.