Điểm báo MOIT tuần từ ngày 22/12 đến ngày 28/12/2014
Mục tiêu của dự án là nâng công suất chế biến, nâng cao độ linh hoạt trong lựa chọn nguyên liệu dầu thô để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo dự án, NMLD Dung Quất sẽ được mở rộng trên diện tích 304,2ha ở 2 xã Bình Thuận và Bình Trị huyện Bình Sơn, trong đó khoảng 108,2ha mặt đất và 196ha mặt biển. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1,81 tỉ USD, trong đó 30% là vốn góp, 70% là vốn vay. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào vận hành trước năm 2022.
Trước đó, ngày 16/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Dự án mở rộng NMLD Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chủ trì. Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đồng ý cho PVN triển khai Dự án theo phương án tự đầu tư song song với việc đàm phán chuyển nhượng với đối tác Gazprom Neft (Nga). Cùng ngày, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn đón nhận huân chương lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng, và cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.
CPI năm 2014 thấp kỷ lục là cơ hội cho sản xuất phục hồi
Là khẳng định đăng trên báo điện tử ngày 24/12/2014. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 tăng 1,84% so tháng 12/2013, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng hơn 1 thập niên trở lại. Tuy nhiên, việc CPI thấp kỷ lục và phá vỡ mọi quy luật trước đó lại được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một tín hiệu tốt, tạo cơ hội cho sản xuất phục hồi.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, có nhiều yếu tố giữ cho CPI năm 2014 tăng ở mức thấp như vậy. Cụ thể, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào (năm nay thời tiết thuận lợi, vụ Đông xuân và Hè thu được mùa trên cả nước) nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ chỉ tăng 2,61% so với tháng 12/2013 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,08% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó các yếu tố khách quan cũng tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước. Bà Ngọc dẫn chứng, trong năm mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định. Đặc biệt, giá nhiên liệu giảm mạnh, giá dầu Brent xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm quan (từ mức 110,47 USD/thùng cuối năm 2013 xuống còn dưới 60 USD/thùng thời điểm 12/2014) đã tác động khiến giá xăng, dầu trong nước phải điều chỉnh giảm đồng thời kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm giao thông giảm tương ứng 1,95% và 5,57%, ngược hoàn toàn với mức tăng 5,49% và 2,6% của cùng kỳ năm 2013.
Dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá của năm 2014 ước tăng 6,5%, tiến sỹ Phạm Thế Anh nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến chỉ số CPI tăng thấp như vậy không thể nói là do tổng cầu yếu.
Theo ông Thế Anh, CPI năm 2014 phá vỡ mọi quy luật trước đó là do chi phí đẩy (các chi phí đầu vào giảm từ nhiên liệu, nhiên liệu, chi phí vận chuyển...). Xu hướng kinh tế thế giới càng ổn định sẽ giúp hoạt động thương mại xuất khẩu của Việt Nam sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm là lâu dài nên kinh tế trong nước chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Nhìn chung mức lạm phát của năm 2015 vẫn tiếp tục ở mức thấp khoảng từ 3-4%, bên cạnh đó mức tăng trưởng GDP cũng ở mức kỳ vọng 6-6,5%.
Lạm phát cả năm thấp hơn mục tiêu
Trang 4, báo Tin Tức số 307 ngày 25/12/2014 thông tin: “Lạm phát cả năm thấp hơn mục tiêu”. Ngày 24/12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Quốc hội đặt ra là 5%. Không ít người lo ngại về sức cầu tiêu dùng vẫn yếu ớt. Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam lại kỳ vọng: Lạm phát thấp sẽ giúp chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp giảm dẫn tới giá hàng hóa xuống góp phần tăng sức mua, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa tốt hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,94%; giao thông giảm 3,09%; có 4 nhóm hầu như không tăng là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thuốc và dịch vụ y tế và giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch.
Dự báo về CPI tháng 1/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Mặc dù trong tháng 1 là tháng kề cận Tết Nguyên đán nhưng CPI vẫn giữ ở mức thấp. Đây là tín hiệu tốt, nhờ giá xăng dầu liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Dự báo CPI năm tới có thể tăng 5% nếu các biện pháp điều hành của Chính phủ quyết liệt.
Vốn FDI vào Việt Nam hơn 20 tỷ USD, tăng 19% so kế hoạch
Báo Đài tiếng nói Việt Nam điện tử ngày 26/12/2014 cho biết: . Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 12 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ 2013 và tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 (17 tỷ USD).
Về tiến độ thực hiện, tính đến ngày 15/12, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014. Cả nước có 1.588 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,64 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013. Và có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,58 tỷ USD, bằng 62,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 774 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai, Singapore đứng vị trí thứ 3, tiếp theo là Nhật Bản, v.v... Dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong cả nước là tỉnh Thái Nguyên, với 3,35 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Giảm giá nhiều hàng hóa dịp cuối năm
Là thông tin được đăng tải trên báo điện tử ngày 26/12/2014. Bài báo cho biết, dịp Tết Dương lịch này, người tiêu dùng tại một số thành phố lớn ở phía Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ các chương trình giảm giá của các siêu thị. Saigon Co.op cho biết, giá các loại thực phẩm tươi sống tại hệ thống siêu thị của mình như: nông sản, rau, củ, quả, thủy hải sản sẽ được luân phiên giảm giá từ ngày 27/12, với mức giảm trung bình khoảng 15%. Đối với các mặt hàng có tính dự trữ như: hóa phẩm, thực phẩm, công nghệ, đồ dùng, may mặc đều có kế hoạch giảm giá trong chương trình khuyến mãi tiếp theo, bằng nhiều hình thức như: giảm giá trực tiếp, mua sản phẩm tặng sản phẩm.
Tại thành phố Cần Thơ, từ các mặt hàng bình dân được bày bán ngoài đường như: quần áo, giày dép, đến các hàng khác trong siêu thị lớn đều giảm giá mạnh. Các siêu thị lớn như: Nguyễn Kim, Coopmart, Big C, Metro... tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá với các sản phẩm: điện tử, gia dụng, dệt may, thực phẩm, với mức giảm đến 50%. Trên các tuyến phố nội đô, các cửa hàng đều đăng biển giảm giá Tết Dương lịch và lễ Giáng sinh từ 10 - 50%. Cùng với đó, còn có nhiều chương trình bình ổn thị trường được thành phố Cần Thơ triển khai với số lượng lớn, có thể đáp ứng từ 30% - 60% nhu cầu thị trường.
Sợi polyester của Việt Nam thoát án trợ cấp thuế ở châu Âu
Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 26/12 cho hay: . Theo đó, ngày 24/12, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định cuối cùng kết thúc vụ kiện điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm sợi polyester tổng hợp (PSF) nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đây là vụ kiện chống trợ cấp thành công đầu tiên của Việt Nam sau hơn một năm theo đuổi vụ việc. Theo VCA, sau khi tính toán, EC xác định biên độ trợ cấp của Việt Nam chỉ ở mức 1,25%, thấp hơn mức quy định 2% của WTO nên đã kết luận “biên độ trợ cấp của Việt Nam là không đáng kể và chấm dứt vụ việc điều tra”.
75% dòng thuế trong ASEAN đã cắt giảm xuống 0%
Đây là thông tin vui được đăng tải trên báo điện tử ngày 26/12/2014. Theo Tổng cục Hải quan, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN hiện đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống mức thuế suất 0%.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam tham gia đạt tỷ lệ tự do hóa thấp hơn, trung bình khoảng 30 - 40% số dòng thuế cắt giảm xuống mức thuế suất 0%. Do mức độ cam kết cao, chỉ có hai nhóm hàng trong ASEAN được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan gồm: các mặt hàng công nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường là được duy trì thuế suất 5%; các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện), v.v...
Thời điểm 2015 - 2018, phần lớn các FTA sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018.