Chủ động hơn trong việc đưa ra đề xuất bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm của Việt Nam
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cho rằng, tuy vấn đề bảo hộ GI là tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng trong thực tế Việt Nam đã thực hiện việc bảo hộ GI đối với một số sản phẩm theo yêu cầu của một số nước đối tác và cũng có yêu cầu được bảo hộ GI đối với một số mặt hàng nông sản tiêu biểu, có uy tín. Đối với EU, Việt Nam đã đăng ký thành công bảo hộ GI nước mắm Phú Quốc vào năm 2012.
TS. Delphine Marie Vivien, Chuyên gia Chỉ dẫn địa lý phát biểu tại Hội thảo |
Để được bảo hộ về Chỉ dẫn địa lý, ngoài việc đăng ký theo đúng yêu cầu và thủ tục của nước sẽ bảo hộ là cách đúng chuẩn nhưng khá phức tạp và kéo dài (tới 3 năm như Việt Nam đã đăng ký tại EU cho nước mắm Phú Quốc), trong thực tế thương mại quốc tế hiện đại, một số nước đã thỏa thuận về bảo hộ GI đối với một số sản phẩm cụ thể khi đàm phán các thỏa thuận thương mại, như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các hiệp định hợp tác, đối tác, v.v...
Chỉ dẫn địa lý là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. |
Được biết, từ năm 2009, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Khối EFTA đã nhất trí sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế thông qua việc đàm phán và ký kết một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và khối EFTA. Được sự phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 22-25/5/2012, Việt Nam đã tiến hành đàm phán phiên đầu tiên Hiệp định Thương mại tự do với Khối EFTA và tới nay hai Bên đã trải qua bảy phiên đàm phán FTA.
Trong khuôn khổ đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, các nước châu Âu, như EU và EFTA, đã thường xuyên đưa ra yêu cầu về bảo hộ GI và đối với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tại Hội thảo các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam đã hiểu rõ hơn về hệ thống bảo hộ và đăng ký bảo hộ GI của các nước EFTA và mối quan hệ giữa bảo hộ GI của EFTA với bảo hộ GI của EU. Đồng thời, các địa phương sẽ hiểu biết rõ hơn về việc đăng ký bảo hộ GI tại châu Âu và sẽ chủ động hơn trong việc đưa ra đề xuất bảo hộ GI đối với các sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để Phía Việt Nam trình bày quan điểm về bảo hộ GI ở Việt Nam.