Các hoạt động liên quan đến Kinh tế - Thương mại tại Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 25
Với chủ đề: “Sự phục hồi của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, động lực cho tăng trưởng toàn cầu”, mục tiêu của APEC 2013 đã được các thành thống nhất là: (i) Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư trong khu vực; (ii) Duy trì tăng trưởng công bằng và bền vững; (iii) Tăng cường khả năng kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Theo đó, Hội nghị AMM 25 lần này tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm như:
(i) Ủng hộ Hệ thống thương mại đa biên và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (MC-9) vào tháng 12 năm 2013 tại Bali. Trong số đó, các lĩnh vực ưu tiên là: Thuận lợi hóa thương mại, nông nghiệp, khía cạnh phát triển của Vòng Đô-ha v.v... Các Bộ trưởng ủng hộ việc các nhà Lãnh đạo APEC đưa ra Tuyên bố tái khẳng định quyết tâm chính trị của APEC đối với WTO và Vòng Đô-ha;
(ii) Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư trong khu vực: Hội nghị AMM 25 tái khẳng định mục tiêu Bô-go tiếp tục đóng vai trò xương sống trong hợp tác APEC, đồng thời nhấn mạnh các thành viên cần tiếp tục hợp tác tích cực nhằm giải quyết các rào cản đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là các rào cản trá hình hoặc rào cản pháp lý sau biên giới nhằm đạt được mục tiêu Bô-go đúng thời hạn. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển trong tiến trình thực hiện mục tiêu Bô-go.
(iii) Duy trì tăng trưởng công bằng và bền vững: Hội nghị đã thảo luận các biện pháp nhằm triển khai thực hiện việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với Danh mục hàng hoá môi trường của APEC đúng thời hạn vào năm 2015; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đảm bảo an ninh lương thực và xây dựng năng lực;
(iv) Tăng cường khả năng kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế trong khu vực: Hội nghị đã bàn và thống nhất một số sáng kiến nhằm tăng cường khả năng kết nối vật lý (cơ sở hạ tầng), kết nối về thể chế pháp lý và kết nối giữa con người nhằm xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Tại AMM 25, Đoàn Việt Nam đã phát biểu khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, ủng hộ quá trình đàm phán thương mại trong WTO, sự cần thiết đạt được mục tiêu Bô-go đúng thời hạn thông qua các sáng kiến hợp tác cụ thể, thiết thực, cũng như giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư. Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam đối với các nội dung hợp tác APEC về: kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ, cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực v.v...
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đoàn Việt Nam cũng đã đưa ra một số sáng kiến như: (i) Phát triển ngành năng lượng gió; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm về cung cấp vốn để phát triển ngành năng lượng tái tạo; (iii) Xây dựng năng lực đàm phán FTAs trong các lĩnh vực mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ v.v... Các sáng kiến này của ta đã nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên APEC. Đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực, đồng thời giúp khai thác chương trình hỗ trợ năng lực cho các thành viên APEC đang phát triển trong quá trình tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại cuộc họp này, các nước đã thống nhất một số nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán trong thời gian tới để đạt mục tiêu kết thúc đàm phán trong năm 2013. Các nội dung này được báo cáo lên các Lãnh đạo TPP thông qua.
Bên lề Hội nghị, Trưởng Đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiến hành các cuộc gặp song phương với một số đối tác như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ốtx-trây-li-a, Ca-na-đa, v.v... nhằm thảo luận và giải quyết các nội dung hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và công nghiệp, cũng như việc thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với các đối tác này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin tham khảo về Tuyên bố của Lãnh đạo các nước Hiệp định TPP và Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại.