Các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự khai xuất xứ của hàng hóa
Tham dự Hội thảo có ông Trần Trung Thực, Vụ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA; bà Larissa Kosanovic, Tham tán, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam; bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ, VCCI.
Hội thảo đã thu hút hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước như các Cục Hải quan, các phòng quản lý xuất nhập khẩu, ban quản lý các khu kinh tế ở các tỉnh thành, cùng đông đảo đại diện đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội.
Được biết, hiện nay, tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) đang dần trở thành một xu thế khách quan, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và được một số đối tác thương mại của Việt Nam đặt ra trong đàm phán một số hiệp định thương mại tự do.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức thực hiện việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa |
Việc thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức thực hiện việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, theo đó các cơ quan quản lý nhà nước tại nước xuất khẩu sẽ không chịu trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc hàng hóa nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự khai xuất xứ của hàng hóa. Những nhà xuất khẩu được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép TCNXX sẽ được tự xác định xuất xứ sản phẩm xuất khẩu của mình đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ theo tiêu chuẩn chung và trong trường hợp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan của nước nhập khẩu (Ưu đãi thuế quan chung của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển - GSP, ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do – FTA...) thì phải phù hợp với quy tắc xuất xứ áp dụng đối với GSP hay FTA tương ứng. Xuất xứ tự xác định này phải giống với xuất xứ được thể hiện trong hóa đơn và các chứng từ xuất khẩu khác.
Việc xác định tính chính xác của xuất xứ hàng hóa được tự chứng nhận (được hiểu là tự khai báo) sẽ do cơ quan chức năng của nước nhập khẩu thực hiện khi hàng hóa đã được nhập khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu chỉ hợp tác điều tra, giám định xuất xứ khi có yêu cầu từ phía nước nhập khẩu. Theo xu thế chung, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hiện đang được thực hiện thí điểm trong ASEAN và Việt Nam cũng đang nghiên cứu và xây dựng đề án cho phép doanh nghiệp TCNXX hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức thực hiện việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và cũng như những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện cơ chế này.