Cả nước tiết kiệm 37,1 tỷ kWh điện trong giai đoạn 2010 - 2021
Trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tiết kiệm điện trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2022 – 2025, trong giai đoạn 2010 – 2021, cả nước đã tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện (tạm tính giá điện bình quân bằng 1.800đ/kWh). Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm.
EVN cho biết, trong giai đoạn 2010 – 2021 các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng đã đi vào cuộc sống. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện hiệu quả hơn.
Cụ thể, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2010 – 2021 đạt 9,71%, giảm từ 13,58% (năm 2010), xuống còn 3,85% (năm 2021), giảm năm sau thấp hơn năm trước.
Đáng chú ý, cả nước đã tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với 66.781 tỷ đồng tiền điện (tạm tính giá điện bình quân bằng 1.800đ/kWh). Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm.
Về giảm tổn thất điện năng, EVN đã thực hiện giảm tổn thất điện năng tốt hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo từng giai đoạn (theo Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch SXKD và ĐT phát triển 5 năm 2011 – 2015 của EVN; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030).
Hệ số đàn hồi điện đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Tuy nhiên, EVN cho rằng, so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao (bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần).
EVN cũng cho biết, các chương trình tiết kiệm điện trọng tâm trong giai đoạn này đã triển khai sâu rộng bao gồm: Tuyên truyền tiết kiệm điện, quảng bá thay đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn tiết kiệm điện; hỗ trợ quảng bá lắp đặt bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (thay thế bình đun nước nóng bằng điện); Giờ trái đất; Gia đình tiết kiệm điện; Thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Hỗ trợ hộ nông dân tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact cho cây thanh long ra hoa trái vụ; Thí điểm tiết kiệm năng lượng bằng mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO); Thiết kế mẫu Hóa đơn tiền điện mới để khách hàng thực hiện việc tiết kiệm điện thông qua việc so sánh với mức bình quân sử dụng điện trong khu vực mình sinh sống; Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở đơn vị trực thuộc EVN; Xây dựng các công cụ hỗ trợ tiết kiệm điện; Giảm tổn thất điện năng; Điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR); Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022 – 2025, EVN cho biết, sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chương trình tiết kiệm điện để toàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân, khách hàng sử dụng điện nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Toàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tham gia và thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm (theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị).
Đặc biệt, mục tiêu trong giai đoạn 2022 – 2025, EVN phấn đấu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn 2022 – 2025 và điện tử hóa các tài liệu tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trên phạm vi cả nước, thường xuyên, liên tục, trên các kênh truyền thông truyền thống và mạng xã hội. Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình DSM và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025.