Việt Nam - Anh đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ
Theo Petrotimes.vn, Hội thảo là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2018). Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác về nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khoa học và đổi mới sáng tạo là nội dung hợp tác ngày càng quan trọng và được mở rộng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Hội thảo nhằm khẳng định cam kết của hai bên trong việc triển khai các hoạt động hợp tác một cách hiệu quả để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự xứng đáng với vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững nền kinh tế và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hơn nữa hợp tác KH&CN giữa hai nước, năm 2015, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len đã ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam).
Thời gian qua, Chương trình Newton Việt Nam đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Hai bên đã cùng tài trợ 5 dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực như: chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm; chọn, tạo các giống lúa có khả năng chịu hạn, mặn. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ hơn 70 nhà khoa học tham gia các khóa đào tạo thạc sỹ, trao đổi nghiên cứu và hỗ trợ 60 nhà khoa học tham gia khóa đào tạo thương mại hóa sản phẩm.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại hội nghị, Đại sứ Gareth Ward cho biết, Vương quốc Anh có một nền tảng khoa học vững chắc - dù dân số chỉ chiếm chưa đến 1% dân số toàn cầu, nhưng Vương quốc Anh đã có tới 15% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới và có 3 trong top 10 trường đại học hàng đầu thế giới.
Một trong những lý do giúp Vương quốc Anh thành công là tinh thần cởi mở để làm việc với các nhà khoa học và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng 50% các bài báo nghiên cứu của Vương quốc Anh được xuất bản có ít nhất 1 đồng tác giả quốc tế. Về bản chất, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là những nỗ lực hợp tác. Hợp tác quốc tế có thể giúp các khám phá khoa học diễn ra nhanh hơn, vì mỗi quốc gia đều có thế mạnh riêng về kiến thức và năng lực để đóng góp vào công việc chung.
Ghi nhận và đánh giá cao những cá nhân, tổ chức đã có công gây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả, Đại sứ Gareth Ward mong muốn được tiếp tục và mở rộng các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong một số lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu nông nghiệp, ứng dụng dữ liệu kỹ thuật số...
Đồng thời, Đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh: “Vương quốc Anh cam kết tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu về khoa học và đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới; tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, khai thác tiềm năng tốt nhất của mỗi bên và hỗ trợ những hoạt động KH&CN có ý nghĩa với đời sống và sinh kế. Trong tương lai, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phát triển các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực là ưu tiên quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh tri thức khoa học mới, Vương quốc Anh cũng ưu tiên những hướng nghiên cứu liên ngành và đổi mới sáng tạo, khuyến nghị chính sách hoặc tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp”.
Tại Hội thảo, Viện sỹ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Giám đốc Điều hành Công ty Catalyst, Tiến sỹ Norman Apsley đã đưa ra nhiều nội dung liên quan đến chủ đề “Hợp tác quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Norman Apsley chia sẻ thêm kết quả các hoạt động hợp tác điển hình trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, lúa gạo, quản lý tài nguyên nước, ứng dụng kỹ thuật số và dữ liệu lớn trong hậu cần hàng hải và kinh tế, các nhà khoa học cũng sẽ bàn luận góc nhìn bên trong và làm sáng tỏ những lý do thành công và thách thức để đưa hai hệ thống nghiên cứu và sáng tạo đến gần nhau hơn.
Thông qua các bài trình bày của chuyên gia Việt Nam và Vương quốc Anh cũng như phiên thảo luận chuyên đề, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan nghiên cứu đã đưa ra những ý kiến để giúp cơ quan quản lý có thêm cơ sở tham khảo và hỗ trợ hiệu quả hơn cho các hoạt động nghiên cứu chung giữa hai bên trong thời gian tới. Đồng thời, chuyên gia hai nước đã cùng trao đổi để hình thành các ý tưởng, dự án nghiên cứu chung, tạo cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, giúp Việt Nam xác định được cách tiếp cận, định hướng cần thiết trong việc xây dựng nội dung và triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, đáp ứng được mong đợi của Chính phủ.
Cũng tại Hội thảo, Trường Đại học Brighton của Vương quốc Anh và doanh nghiệp công nghệ Techbifarm của Việt Nam đã ký bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất tinh chất nghệ curcumin tự nhiên siêu hòa tan. Đây là kết quả của quá trình hợp tác lâu dài giữa các nhà khoa học Anh và Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt - Anh, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.