Trung Quốc yêu cầu tham vấn EU và Hoa Kỳ
Vào thời điểm Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc và các Thành viên đã thống nhất rằng trong vòng 15 năm kể từ ngày Trung Quốc gia nhập (2001), cơ quan điều tra các nước được phép sử dụng các phương pháp “không dựa trên sự so sánh chặt chẽ với giá hoặc chi phí nội địa của Trung Quốc” để xác định trị giá thông thường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá liên quan tới hàng hóa Trung Quốc (Điều 15). Trung Quốc cho rằng sau khi thời hạn 15 năm chấm dứt (vào ngày 11 tháng 12 năm 2016), việc các nước Thành viên tiếp tục sử dụng các phương pháp “không dựa trên sự so sánh chặt chẽ với giá hoặc chi phí nội địa Trung Quốc” là vi phạm nghĩa vụ theo các Hiệp định của WTO.
Trên cơ sở đó, Trung Quốc cho rằng một số phương pháp hiện tại của Hoa Kỳ và EU đã vi phạm quy định nêu trên.
Cụ thể, khiếu kiện của Trung Quốc với Hoa Kỳ và EU như sau:
(i) Với Hoa Kỳ (DS515)
Theo quy định tại Mục 773(a) Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC) thông thường xác định trị giá thông thường dựa trên: (1) giá mà sản phẩm tương tự được bán hoặc được rao bán để tiêu thụ tại nước xuất khẩu; (2) giá mà sản phẩm tương tự được bán hoặc được rao bán để tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu nước thứ ba; hoặc (3) chi phí sản xuất tại nước xuất xứ hàng hóa, bao gồm chi phí quản lý chung và bán hàng (SG&A) và lợi nhuận. Tuy nhiên, Mục 773(c)(1) cũng quy định, trong trường hợp nước xuất khẩu bị Hoa Kỳ coi là nước “kinh tế phi thị trường” thì DOC sẽ sử dụng phương pháp nước thay thế (surrogate country methodology), tức là xác định trị giá thông thường trên cơ sở chi phí sản xuất (cộng thêm SG&A và lợi nhuận) được xác định tại một nước thứ ba.
Trung Quốc khiếu kiện các quy định của Hoa Kỳ cho phép áp dụng phương pháp nước thay thế và dẫn tới việc tiếp tục sử dụng các trị giá thay thế để xác định trị giá thông thường và biên độ phá giá trong các vụ điều tra chống bán phá giá và rà soát đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc được khởi xướng và/hoặc dẫn tới việc áp dụng biện pháp tạm thời hoặc cuối cùng sau ngày 11 tháng 12 năm 2016 của Hoa Kỳ. Các quy định này bao gồm: Mục 771(18), Mục 773 Đạo luật thuế quan; quy định của DOC tại Mục 19 C.F.R 351.408; việc DOC xác định Trung Quốc là “nền kinh tế phi thị trường”; việc DOC không thu hồi quyết định năm 2006 về việc xác định Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường hoặc không sửa đổi luật và quy định để thể hiện phương pháp nước thay thế không được áp dụng cho các cuộc điều tra và rà soát với hàng xuất khẩu của Trung Quốc mà được khởi xướng và/hoặc dẫn tới việc đưa ra kết luận sơ bộ hoặc cuối cùng sau ngày 11 tháng 12 năm 2016.
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm Điều 2.1, Điều 2.2 Hiệp định AD và Điều VI:1 GATT 1994 vì không sử dụng giá bán tại Trung Quốc (nước xuất khẩu) hoặc chi phí sản xuất tại nước xuất xứ khi tính toán trị giá thông thường và biên độ phá giá (giống với cáo buộc trong vụ DS515 với EU). Ngoài ra, Trung Quốc còn cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm Điều 18.1 Hiệp định AD (vì các biện pháp bị kiện cấu thành một hành vi cụ thể- specific action- không phù hợp với các quy định của GATT1994); Điều I:1 GATT 1994 (liên quan đến quy định MFN); Điều 9.2 Hiệp định AD (vì biện pháp bị kiện dẫn đến việc thu thuế chống bán phá giá không trên “cơ sở không phân biệt); Điều 18.4 Hiệp định AD và Điều XVI:4 Hiệp định Marrakesh (vì Hoa Kỳ không đảm bảo các quy định pháp luật của mình tuân thủ với Hiệp ddinhjj ad và GATT 1944).
(ii) Với EU (DS516)
Trung Quốc khiếu kiện Điều 2(1) đến 2(7) Quy định 2016/1036 của EU. Cụ thể, điều 2(1) đến 2(6) quy định việc xác định trị giá thông thường trong các vụ điều tra chống bán phá giá của EU, và điều 2(7) quy định một cơ chế khác áp dụng riêng để tính toán trị giá thông thường cho các nước có “nền kinh tế phi thị trường”. Trong đó, Điều 2(7)(b) (có nêu tên Trung Quốc) quy định rằng các quy định tại Điều 2(1) đến 2(6) sẽ chỉ áp dụng với một nhà sản xuất cụ thể nếu nhà sản xuất đó có thể chứng minh rằng các điều kiện “kinh tế thị trường” có tồn tại liên quan đến việc sản xuất và bán sản phẩm đó. Để làm được điều này, nhà sản xuất đó phải chứng minh mình đáp ứng các tiêu chí KTTT được nêu tại Điều 2(7)(c), nếu không chứng minh được, thì trị giá thông thường sẽ được xác định trên cơ sở giá hoặc trị giá tự xây dựng tại nước thứ ba “có nền kinh tế thị trường”.
Trung Quốc cho rằng Điều VI:1 GATT 1994 quy định rằng trị giá thông thường thường được xác định dựa trên giá nội địa của sản phẩm tương tự hoặc, nếu không tồn tại giá này, thì dựa trên giá xuất khẩu sang một nước thứ ba hoặc giá tự xây dựng từ chi phí sản xuất tại nước xuất xứ sản phẩm. Tương tự, Điều 2.1 Hiệp định AD quy định rằng trị giá thông thường thường là giá của sản phẩm tương tự khi được bán, trong điều kiện thương mại thông thường, tại thị trường nội địa của nhà sản xuất/xuất khẩu; Điều 2.2 quy định việc không sử dụng giá trị trường nội địa trong một số trường hợp. Điều 2.1, 2.2 Hiệp định AD và Điều VI:1 GATT 1994 cấm xác định trị giá thông thường trên cơ sở giá/chi phí của nước thứ ba; nếu làm như vậy là không phù hợp với nghĩa vụ quy định tại các điều này (xác định trị giá thông thường trên cơ sở giá nội địa hoặc chi phí sản xuất của nhà sản xuất ở nước xuất xứ sản phẩm). Trung Quốc cho rằng Điều 2(7) quy định của EC là không phù hợp với Điều 2.1, 22 Hiệp định AD và Điều VI:1 GATT 1994 vì khi nhà sản xuất không đáp ứng yêu cầu tại Điều 2(7)(b) để chứng minh rằng các điều kiện “kinh tế thị trường” tồn tại theo tiêu chí tại Điều 2(7)(c ), Điều 2(7) yêu cầu cơ quan điều tra của EU không sử dụng giá và chi phí của Trung Quốc khi tính toán trị giá thông thường mà sử dụng giá và chi phí từ nước thứ ba.
Trung Quốc cho rằng một ngoại lệ duy nhất cho Điều 2.1, 2.2 Hiệp định AD và Điều VI:1 GATT 1994 là nằm tại phụ lục của GATT 1994, theo đó cho phép một Thành viên không sử dụng phép so sánh nghiêm ngặt (stric) với giá trong nước nếu Thành viên đó đáp ứng 2 điều kiện quy định tại Phụ lục. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng Điều 2(7) quy định của EC lại cho phép EU, trong những trường hợp nhất định, không sử dụng phép so sánh nghiêm ngặt đó mà không cần đáp ứng các điều kiện tương ứng tại Phụ lục, cụ thể, Điều 2(7) cho phép làm như vậy khi một nhà sản xuất không đáp ứng yêu cầu tại Điều 2(7)(b) để chỉ ra rằng các điều kiện “kinh tế thị trường” tồn tại.
Trung Quốc cho rằng việc đối xử với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo Điều 2(7) quy định của EC sẽ không còn phù hợp khi Điều 15(a)(ii) của Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc hết hạn (ngày 11/12/2016) và không phù hợp với các hiệp định liên quan của WTO.
Trung Quốc cũng cho biết họ biết được về đề xuất mới của EC về thay đổi quy định pháp luật về điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và yêu cầu tham vấn này cũng liên quan đến những thay đổi về quy định của EC là hệ quả của những đề xuất này.
Trong cam kết gia nhập WTO của Việt Nam cũng có nội dung cam kết tương tự như Mục 15 của Trung Quốc, và cam kết này cũng sẽ hết hạn sau 15 năm kể từ ngày gia nhập (dự kiến vào năm 2018), do đó Việt Nam cũng rất quan tâm đến những khiếu kiện này của Trung Quốc và các diễn biến của hai vụ việc.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Phòng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài - Cục Quản lý cạnh tranh
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (04) 222 05012
Fax: (04) 222 05003