Tình hình thị trường châu Phi năm 2012 và dự báo năm 2013
Tình hình chính trị -xã hội
2012 là năm của các cuộc bầu cử ở châu Phi với 24 cuộc bầu cử Tổng thống và nghị viện như tại Angola, Ai Cập, An-giê-ri, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, v.v… Tiến trình dân chủ hóa đã và đang diễn ra ở nhiều nước châu Phi. Cải cách kinh tế - chính trị, tự do dân chủ, hòa bình - điều mà người dân châu Phi mong mỏi vẫn tiếp tục được thực hiện. Những chính quyền mới bắt đầu thực hiện các cam kết khi bầu cử như cải cách kinh tế, mở cửa, tăng phúc lợi xã hội, kiềm chế tình trạng giá cả leo thang, nhằm tạo dựng uy tín với người dân đồng thời củng cố quyền lực và hướng tới xây dựng một nền dân chủ toàn diện.
Nhìn chung năm 2012, tình hình an ninh chính trị của châu Phi tương đối ổn định tại đa số các nước châu Phi, đặc biệt các quốc gia như Bờ Biển Ngà, Siera Leone, Zambia, Ghana và Senegal đã có sự tiến bộ rõ rệt. Senegal đã tránh được những bất ổn chính trị thường thấy khi tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm nóng như bất ổn chính trị tại CH Trung Phi, CH Dân chủ Congo, Mali và tình trạng cướp biển gia tăng tại vùng vịnh Guinea (Tây Phi).
Tình hình kinh tế, thương mại của châu Phi năm 2012
Bất chấp những vấn đề chính trị, châu Phi vẫn thu được những thành tựu kinh tế tích cực với mức tăng trưởng ước tính 5% trong năm 2012-2013, cao hơn so với các châu lục khác trên thế giới. Năm 2012, châu Phi hạ sa mạc Sahara (hay còn gọi là châu Phi đen gồm 48 quốc gia) nằm trong số một vài khu vực trên thế giới tránh được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù có những biến cố chính trị tại Mali, nhưng Tây Phi vẫn được hưởng lợi từ sự ổn định trở lại và sự tăng trưởng mạnh của Bờ Biển Ngà. Tại Tây Phi, đầu tầu Bờ Biển Ngà đã góp phần kéo kinh tế toàn bộ khu vực trong khi các nước khác vẫn duy trì được những thành tựu của những năm trước đó. Đây là một năm bản lề đối với Bờ Biển Ngà khi được Câu lạc bộ Paris xoá 4 tỷ USD tiền nợ (CH Gui-nê được xoá 2,1 tỷ USD). Khi thăm Paris vào cuối năm, Tổng thống Alassane Ouattara còn vận động Pháp tài trợ 8,6 tỷ USD để triển khai những kế hoạch phát triển đất nước của mình.
Năm 2013, IMF dự báo tăng trưởng của châu Phi hạ Sahara là 5,4%.
Tại Bắc Phi, sự bất ổn chính trị tiếp tục đè nặng lên tình hình kinh tế của Ai Cập và Tuy-ni-di. Trong báo cáo Kinh doanh 2013, Ngân hàng thế giới nhấn mạnh đà cải cách tại khu vực Bắc Phi đã chậm lại kể từ đầu mùa xuân A rập vào tháng 1/2011.
Hầu hết các nước Bắc Phi đều không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra: Ai Cập chỉ đạt 2,7% thấp hơn so với kế hoạch là 4%, An-giê-ri đạt 2,6% (thay vì 4,7%), Ma-rốc 2,9% (5%), Tuy-ni-di 2,5% (4%). Riêng Libi, nền kinh tế đã phục hồi nhờ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí. Libi đã lấy lại sản lượng khai thác dầu như trước khi diễn ra cuộc nội chiến, cho phép nước này đạt mức tăng trưởng kỷ lục 117%. Tính chung, tăng trưởng kinh tế của cả khu vực Bắc Phi là 4,7% năm 2012.
Mặc dù có những bất ổn chính trị tại một số quốc gia, năm 2012, châu Phi vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi những tiềm năng chưa được khai thác, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, tình hình chính trị đi vào ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn các khu vực khác. Những lĩnh vực như chế biến nông sản, xây dựng, năng lượng, mỏ, tài chính-ngân hàng, ô tô, viễn thông, vận tải thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất.
Về chính sách ngoại thương, một số nước châu Phi đã có những biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu như An-giê-ri chủ động hạ giá đồng Đi-na so với các ngoại tệ mạnh như Euro, USD (-8% trong 9 tháng đầu năm). Song song với đó, nước này vẫn duy trì chính sách thương mại và đầu tư với hai biện pháp cơ bản được áp dụng theo Luật tài chính bổ sung 2009 là thanh toán hàng nhập khẩu bằng L/C và tỷ lệ góp vốn 51/49% trong đầu tư liên doanh tại An-giê-ri của người nước ngoài. Còn tại Nigeria, kể từ 1/7 mức thuế nhập khẩu mới đối với bột mỳ, lúa mỳ và gạo đã chính thức có hiệu lực trong đó thuế nhập khẩu gạo lức tăng từ 25 lên 35%. Các loại gạo xay sát chịu mức thuế nhập khẩu 50%, tăng 40% so với mức thuế hiện hành. Đồng thời, chính phủ nước này cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu gạo qua đường bộ và đường sông. Còn tại Ma rốc, để trấn áp hiện tượng trốn thuế, ghi giá trị hoá đơn thấp, nước này áp dụng biểu giá tối thiểu khi tính thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng thay vì áp thuế theo giá trong hợp đồng như trước. Tại Senegal, kể từ tháng 10/2012, Chính phủ đã quyết định cấm xuất khẩu sắt thép phế liệu để bảo đảm đủ nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước. Nhiều quốc gia Tây Phi khác như Senegal, Benin, Côte d’Ivoire… đang đẩy mạnh các chương trình sản xuất lúa trong nước và hạn chế nhập khẩu gạo.
Trao đổi thương mại Việt Nam - Châu Phi năm 2012
11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang hầu hết các thị trường lớn ở châu Phi đều có sự tăng trưởng mạnh trong khi kim ngạch nhập khẩu lại giảm. Dự báo cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Châu Phi đạt 2,6 tỷ đô-la Mỹ, giảm 26% so với năm 2011 và kim ngạch nhập khẩu đạt 1 tỷ USD, giảm 17%. Nếu không tính mặt hàng đá quý và kim loại quý (do Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này) thì kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi năm 2012 vẫn tăng 21% so với năm 2011 và nhập khẩu giảm 10%.
8 thị trường lớn có mức tăng trưởng xuất khẩu là Ai Cập, An-giê-ri, Ghana, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Angola, Mozambique và Maroc. Hai thị trường có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm là Nam Phi và Xê-nê-gan, do giảm xuất khẩu mặt hàng vàng bạc đá quý (Nam Phi) và gạo (Xê-nê-gan). 10 thị trường nói trên chiếm tới 82% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang toàn khu vực châu Phi 55 nước. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường khu vực này vẫn là gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép.
Về nhập khẩu, 10 thị trường cung cấp hàng quan trọng nhất cho Việt Nam là Bờ Biển Ngà, Nigeria, Nam Phi, Libi, Ghana, Cameroon, Zambia, Benin, Senegal và Tanzania, chiếm tới 75% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như bông, gỗ, điều, sắt thép phế liệu thì Việt Nam đã nhập khẩu thêm các mặt hàng mới như đồng từ Zambia, thức ăn gia súc từ Tanzania, dầu thô từ Libi, khí đốt hoá lỏng từ Nigeria với kim ngạch khá cao.
Nam Phi: 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi chỉ đạt 577,62 triệu USD, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đá quý và kim loại quý sụt giảm chỉ đạt 90,27 triệu USD trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 1,5 tỷ USD. Nếu không tính nhóm hàng này thì kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi đạt 487,35 triệu USD, tăng 52% so với 11 tháng đầu năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là điện thoại và linh kiện, giày dép các loạ, máy vi tính, sản phẩm và linh kiện, gạo, cà phê, hàng dệt may, sản phẩm hoá chất... Mặc dù kim ngạch sụt giảm, song đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Ước tính cả năm, kim ngạch xuất khẩu sang Nam Phi ước đạt khoảng 630 triệu USD. Nam Phi cũng là đối tác nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt khoảng 117 triệu USD, chủ yếu là sắt thép phế liệu, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Ai Cập: Kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt 279,48 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2012, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng thủy sản (chủ yếu là cá tra và tôm) tiếp tục giữ vị trí số 1, tiếp đến là hạt tiêu, xơ, sợi dệt các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, cà phê, v.v… Ai Cập hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi sau Nam Phi và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Uớc tính cả năm, kim ngạch xuất khẩu sang Ai Cập đạt khoảng 310 triệu USD, tăng 21% so với năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ai Cập không đáng kể.
Bờ Biển Ngà: 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 212,11 triệu USD, tăng 47%, trong đó gạo chiếm 201,82 triệu USD (476.801 tấn). Mặt hàng gạo của Việt Nam chiếm đến một nửa lượng gạo nhập khẩu trung bình hàng năm của Bờ Biển Ngà. Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Phi và lớn nhất tại khu vực Tây Phi. Ước tính cả năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 230 triệu USD. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt khoảng 152 triệu USD chủ yếu là điều, bông. Hiện Bờ Biển Ngà là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam tại châu Phi.
Ghana: Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ghana đạt 182,84 triệu USD, tăng 59%, trong đó gạo chiếm 132,19 triệu USD (275.261 tấn). Ước tính cả năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 200 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này vào khoảng 63 triệu USD với các mặt hàng chính gồm hạt điều và sắt thép phế liệu.
An-giê-ri: Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 117,63 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 39% so với cùng kỳ 2011, trong đó cà phê chiếm 54,25 triệu USD (26.770 tấn), gạo 32,56 triệu USD (71.018 tấn). Dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 128 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ An-giê-ri không đáng kể.
Angola: 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Angola đạt 108,96 triệu USD, tăng 79%, trong đó gạo chiếm 52,95 triệu USD (118.426 tấn), hàng dệt may 13,4 triệu USD. Ước tính cả năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 119 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Angola cũng không đáng kể.
Nigeria: Xuất khẩu sang Nigeria đạt 105,36 triệu USD, tăng 68% so với 11 tháng năm 2011, trong đó máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 47,82 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng 9,1 triệu USD, hàng dệt may 3,72 triệu USD. Dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 115 triệu USD. Về nhập khẩu, kim ngạch vào khoảng 122 triệu USD, chủ yếu là hạt điều thô và bông. Nigeria là nước cung cấp hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi.
Xê-nê-gan: Kim ngạch xuất khẩu sang Xê-nê-gan đạt 88,52 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó gạo chiếm 65,89 triệu USD (182.038 tấn) giảm 61% về giá trị, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 12,56 triệu USD. Nguyên nhân của việc giá trị xuất khẩu sụt giảm là do năm nay Xê-nê-gan quay sang nhập khẩu nhiều gạo của Ấn Độ vì có giá bán rẻ hơn gạo Việt Nam. Ước tính cả năm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 96 triệu USD. Về nhập khẩu, kim ngạch đạt 35 triệu USD, tăng 53% trong đó sắt thép phế liệu đạt 33,33 triệu USD. Tuy nhiên mặt hàng sắt thép phế liệu không còn khả năng tăng kim ngạch vì kể từ tháng 10/2012, Chính phủ Senegal đã cấm xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ ngành luyện kim trong nước.
Ngoài những thị trường kể trên thì các thị trường như Mozambique, Maroc, Kenya cũng đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Đặc biệt năm 2012, lần đầu tiên Maroc là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, với kim ngạch đạt khoảng 80 triệu USD.
Về nhập khẩu, Libi từ nước không xuất khẩu cho Việt Nam năm 2011 đã vươn lên thành nhà cung cấp hàng hoá lớn thứ 4 với kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 85 triệu USD, mặt hàng chính là dầu thô.
Dự báo nhu cầu và triển vọng thị trường năm 2013
Theo dự báo của IMF, năm 2013, châu Phi sẽ duy trì được mức tăng trưởng ít nhất là 5%, thậm chí tăng lên 6% nhờ giá dầu thô vẫn giữ ở mức cao và một phần do tiêu dùng trong nước tăng. Trong số 20 nước trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2013-2017 thì châu Phi có tới 13 đại diện (Libi, Guinea, Nam Sudan, Rwanda, Gambia, Côte d’Ivoire, Ghana, Zambia, Mozambique, Cộng hòa Congo, Tanzania, Kenya và Ethiopia) trong đó phần lớn là các quốc gia có tiềm năng dầu lửa. Nền kinh tế của châu Phi sẽ ngày càng phát triển dựa trên nội lực và bớt phụ thuộc vào kinh tế châu Âu. Tình hình chính trị đang ổn định trở lại và môi trường kinh doanh được cải thiện.
Theo thống kê của Liên Hiệp quốc, năm 2011, số dân đô thị của châu Phi là 414 triệu người, chiếm gần một nửa dân số của cả khu vực. Dự báo đến năm 2050, số dân đô thị châu Phi sẽ lên tới 1,2 tỷ người trong đó Nigieria chiếm 200 triệu. Năm 2012, 65 triệu người châu Phi có mức thu nhập trên 3000 USD/năm và con số này sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2015. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu.
Về ngoại thương, theo số liệu mới nhất của WTO, năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi ra thế giới đạt 594 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2010, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, trong đó châu Á là đối tác lớn thứ hai, chiếm 146 tỷ USD (24,5%). Về nhập khẩu, năm 2011, kim ngạch đạt 538 tỷ USD, tăng 19% so với 2010, bằng 3,1% tổng giá trị nhập khẩu của thế giới, trong đó nhập khẩu từ châu Á đạt 152 tỷ USD (28,3%). Tỷ trọng của châu Phi trong trao đổi thương mại với thế giới vẫn còn thấp, khoảng 3,2% năm 2011 tuy nhiên quan hệ thương mại với các nước châu Á đang ngày càng phát triển. Các nước xuất khẩu lớn nhất ở châu Phi gồm có Nigeria, Nam Phi, An-giê-ri với kim ngạch trung bình từ 75 tỷ USD trở lên. Các nước nhập khẩu quan trọng nhất là Nam Phi, Ai Cập và Nigeria với kim ngạch từ 55 tỷ USD trở lên. Đây cũng là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi trong những năm qua.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang những thị trường này đều có sự tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20%/năm do nhu cầu tiêu dùng tăng và sản xuất hàng hoá trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, Bờ Biển Ngà, Ghana, Angola, Senegal, Mozambique, Maroc, Cameroon, CH Guinea, Kenya, Tanzania, Ethiopia, v.v... cũng là những thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho hàng hoá của Việt Nam, nhất là đối với mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, điện thoại di động, dệt may, giày dép, máy vi tính, thuỷ sản, v.v...
Kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi năm 2012 và dự kiến 2013
Đơn vị: Triệu USD
Tên nước | Kim ngạch 2012 (Triệu USD) | Tăng trưởng (%) | Kim ngạch năm 2013 (Dự kiến) | Tăng trưởng trung bình (20%) |
1. Nam Phi | 630 | - 68% | 760 |
|
2. Ai Cập | 310 | + 21% | 370 |
|
3. Bờ Biển Ngà | 230 | + 47% | 276 |
|
4. Ghana | 200 | +59% | 240 |
|
5. An-giê-ri | 128 | +39% | 153 |
|
6. Angola | 120 | +79% | 144 |
|
7. Nigeria | 115 | +68% | 138 |
|
8. Senegal | 96 | -53% | 115 |
|
9. Mozambique | 82 | +11% | 100 |
|
10. Maroc | 80 | +150% | 96 |
|
Các nước khác |
|
|
|
|
Tổng | 2600 | - 26% | 3120 | +20% |
Với những thuận lợi của thị trường châu Phi trong năm 2012, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi năm 2013 sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, mức tăng trưởng 20. Về nhập khẩu, kim ngạch ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30%.