Tỉnh Champasak, Lào chuẩn bị cho về nước người lao động nước ngoài hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật
Theo tin từ Báo Kinh tế thương mại (Số 341 ngày 21/5/2014), vừa qua tỉnh Champasak đã thành lập 2 Ban Chuyên trách để làm thí điểm giải quyết các vấn đề người nước ngoài lao động, hoạt động kinh doanh tại huyện Pakse. Một Ban chuyên giải quyết về người nước ngoài hoạt động kinh doanh buôn bán, đầu tư và một Ban chuyên giải quyết về người nước ngoài lao động tại địa phương.
Đến nay, đã phát hiện trên 300 cửa hàng, cửa hiệu của người nước ngoài hoạt động kinh doanh, trong đó có 192 cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh không đủ điều kiện. Theo qui định, các cửa hàng, cửa hiệu của người nước ngoài phải có vốn đầu tư từ 250 triệu đến 1 tỷ kip và không được kinh doanh những ngành nghề dành cho người Lào theo qui định của pháp luật Lào. Những cửa hàng, cửa hiệu không chuyển đổi ngành nghề kinh doanh và cư trú bất hợp pháp sẽ bị đưa về nước.
Về người lao động, đến nay đã thống kê được 435 người nước ngoài hành nghề lao động tự do ở địa bàn. Trong số này chủ yếu là người Việt Nam làm các nghề xây dựng, thợ mộc, sửa chữa điện, sửa chữa ô tô… Trong vòng 60 ngày, số người này phải đăng ký thuộc một doanh nghiệp Lào trong các lĩnh vực xây dựng, sửa chữa ô tô… Quá thời hạn 60 ngày sẽ bị phạt và đưa về nước. Các doanh nghiệp có sử dụng lao đông người nước ngoài cũng phải tiến hành đăng ký với các cơ quan liên quan trong thời hạn qui định.
Dự kiến tới đây sẽ đưa 49 cửa hàng về nước. Sau khi triển khai thí điểm ở Huyện Pakse, các cơ quan của tỉnh sẽ trao đổi rút kinh nghiệm để triển khai trong toàn tỉnh.
Để quản lý người nước ngoài kinh doanh buôn bán, lao động, ngày 03/01/2014, Cục Quản lý lao động, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã ban hành Thông báo số 252 về việc gia hạn thẻ làm việc cho người lao động nước ngoài. Từ ngày 01/5/2014, tất cả các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài phải gửi danh sách và hồ sơ đến cơ quan kiểm tra lao động thẩm tra và xác nhận trước khi làm các thủ tục gia hạn làm việc tại Lào.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đầu tư tại Lào có sử dụng lao đông Việt Nam cần lưu ý tìm hiểu rõ các qui định của Thông tư 252 nêu trên để thực hiện, đồng thời hỗ trợ các cửa hàng, cửa hiệu, lao động tự do là người Việt Nam hoàn thiện các thủ tục theo qui định của Lào.