Tăng trưởng kinh tế của Ô-xtơ-rây-li-a sẽ tiếp tục chậm lại trong hai năm tới
Dự báo trên phản ánh tình trạng giảm sút đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng và thể hiện sự bi quan về triển vọng của các nền kinh tế mới nổi. Nó cũng làm nản lòng những người đang hy vọng rằng ngân sách được thông qua vào tháng tới sẽ thể hiện sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế Ô-xtơ-rây-li-a. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Ô-xtơ-rây-li-a sẽ được cải thiện chút ít trước năm 2016 và trong hai năm tới tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 6 lên 6,2%. Trong một báo cáo về kinh tế thế giới trước được đưa ra hôm qua trước khi diễn ra cuộc gặp cấp Bộ trưởng của IMF tuần này tại Washington, IMF cho biết kể từ khi Bộ Ngân khố Ô-xtơ-rây-li-a đưa ra những đánh giá bi quan về ngân sách từ cuối tháng 12 năm ngoái đến nay, kinh tế Ô-xtơ-rây-li-a đã không được cải thiện.
Ngân hàng dự trữ liên bang Ô-xtơ-rây-li-a (RBA) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ từ 2,5 đến 3,5% với hy vọng rằng các khu vực kinh tế không liên quan đến khai khoáng sẽ phục hồi sớm hơn dự đoán của Bộ Ngân khố và IMF. Cách đây hai tuần Thống đốc Ngân hàng dự trữ Liên bang Ô-xtơ-rây-li-a Glenn Stevens đã nói cuối năm nay kinh tế Ô-xtơ-rây-li-a sẽ tăng trưởng nhanh hơn chút ít và năm sau tăng trưởng sẽ mạnh mẽ hơn.
IMF đã khuyến cáo ngân hàng trung ương của các nước phát triển không nên tăng lãi suất quá sớm, cho rằng việc thúc đẩy tăng trưởng trung hạn là thách thức chung của cả thế giới và ưu tiên hàng đầu hiện nay là cải cách cơ cấu của các nền kinh tế cho dù việc cải cách đó là hết sức khó khăn. Bộ trưởng Ngân khố Ô-xtơ-rây-li-a Joe Hockey, người sẽ chủ trì cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington bên lề cuộc họp thường niên của IMF cho biết sẽ tập hợp những kế hoạch cải cách mới nhất nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của các nước. Ông cho biết các cuộc thảo luận tuần này là hết sức quan trọng vì kinh tế thế giới hiện đang tăng trưởng chậm chạp trong khi chính phủ của nhiều nước đang phải vật lộn với việc kích thích nền kinh tế trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn.
IMF cho biết kinh tế thế giới đã phục hồi một cách chậm chạp, trừ kinh tế của Mỹ và Anh đã có tăng trưởng đáng kể. Kinh tế châu Âu đã thoát khỏi suy thoái và việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng cũng không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, dù rằng vẫn còn khiêm tốn, các nhà đầu tư cũng đã bớt lo lắng về các khoản nợ quốc gia và các ngân hàng đã mạnh hơn, tuy nhiên IMF đang lo ngại về tốc độ phát triển chậm lại của các nền kinh tế mới nổi. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm ngoái là 3%, năm nay được dự đoán sẽ là 3,6% và năm tới là 3,9%, tuy nhiên dự báo này thấp hơn những dự báo được đưa ra vào tháng 1 vừa rồi. Ông Olivier Blanchard giám đốc kinh tế của IMF cho biết cho dù chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi đang bị chậm lại. IMF đặc biệt lo ngại kinh tế của Bra-xin, Nga, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giảm rõ rệt đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin và Việt Nam mỗi nước 0,2%. Tuy nhiên IMF không hạ dự báo tăng trưởng của TQ, cho rằng năm nay TQ vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% do chính phủ đề ra tuy nhiên năm tới kinh tế TQ chỉ tăng trưởng 7,3%.
IMF cũng đưa ra các hình mẫu mà kinh tế thế giới sẽ phải đương đầu khi kinh tế của các nền kinh tế mới nổi sẽ bị suy yếu thêm dẫn đến việc kinh doanh và đầu tư giảm 3% và cho rằng Ô-xtơ-rây-li-a sẽ không bị ảnh hưởng nhiều của việc suy giảm này.