Tăng cường hợp tác giữa Tây Nguyên và các đối tác Nhật Bản
Ngày 7/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Cơ quan Xúc tiến kinh doanh quốc tế Nhật Bản và các cơ quan đại diện khác của Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác giữa Tây Nguyên và Nhật Bản”.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao quan hệ Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua; cho biết Nhật Bản hiện là đối tác hợp tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Cùng với sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, quan hệ cấp địa phương hai bên cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Hội thảo là cơ hội đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên với Nhật Bản, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển nói chung, trong hợp tác kinh tế với Nhật Bản nói riêng để nâng cao hiệu quả, tạo bước chuyển trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực và kết nối địa phương Tây Nguyên - Nhật Bản.
Cục trưởng Cục Ngoại vụ khẳng định Bộ Ngoại giao luôn coi trọng công tác đối ngoại cấp địa phương và luôn tích cực thúc đẩy giao lưu kết nối các địa phương với các đối tác quốc tế để góp phần vào thành công của tiến trình hội nhập phục vụ phát triển của các địa phương nói riêng, của đất nước ta nói chung.
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định quan hệ cấp địa phương Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng những năm gần đây (42/69 cặp quan hệ cấp địa phương giữa hai nước được thiết lập trong vòng 5 năm trở lại đây) không chỉ thể hiện sự chủ động tích cực của các địa phương Việt Nam mà còn thể hiện nhu cầu mở rộng hợp tác quốc tế của các địa phương Nhật Bản trong thời kỳ mới.
Đại diện JETRO thông báo kết quả thống kê cho thấy khoảng 70% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đây là một tỷ lệ rất cao so với các nước châu Á và ASEAN.
Các nhà đầu tư, đối tác, địa phương Nhật Bản mong muốn được kết nối, hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam trên nhiều lĩnh vực mà các địa phương Tây Nguyên có tiềm năng và quan tâm như nông nghiệp và công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường (nước sạch và xử lý rác thải, nước thải), du lịch và giáo dục đào tạo.
Đại diện JICA đã trình bày chi tiết phương hướng hợp tác phát triển với Việt Nam nói chung, đưa ra những gợi ý thiết thực cho các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời bày tỏ mong muốn được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền và doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên để triển khai các dự án hợp tác tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của khu vực.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan hợp tác phát triển, xúc tiến đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản cùng lãnh đạo và đại diện các sở ngành địa phương Tây Nguyên đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình, nhận định triển vọng cũng như những hạn chế tồn tại, đồng thời kiến nghị các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Các địa phương Tây Nguyên đã tích cực quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, nhu cầu và các dự án ưu tiên hợp tác với Nhật Bản dưới nhiều hình thức sinh động. Lãnh đạo các địa phương Tây Nguyên đều phát biểu bày tỏ sự cảm ơn Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi Hội thảo, cho rằng đây là cơ hội tốt để các địa phương, đối tác, doanh nghiệp hai bên trao đổi và kết nối các lĩnh vực cùng quan tâm.
Copy link