Đổi mới mô hình hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học
Trong bối cảnh giáo dục đại học trên thế giới đang chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu, quốc tế hóa giáo dục đã trở thành một trong những phương thức được nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục quan tâm.
Trước thực tế đó, diễn đàn Quốc tế hóa giáo dục đại học lần thứ 3 đã được tổ chức với chủ đề “Các phương thức hợp tác sáng tạo trong GDĐH xuyên biên giới”.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, diễn đàn là dịp thuận lợi để các trường đại học, tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ về mô hình hoạt động của mình, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động.
Diễn đàn quốc tế hoá GDĐH (FIHE) là dịp để các trường đại học, tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ về mô hình hoạt động của mình
Diễn đàn năm nay hướng tới mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và góp phần xúc tác việc đổi mới các mô hình hợp tác quốc tế của các cơ sở ĐH, tổ chức, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị cũng như tầm ảnh hưởng của các trường đại học và các tổ chức cung cấp dịch vụ GDĐH phi truyền thống.
Bên cạnh đó, đây cũng là nơi trao đổi về các cơ hội và thách thức, thế mạnh và điểm yếu của các mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc thúc đẩy sáng tạo xã hội và hình thành doanh nghiệp xã hội; đồng thời dự báo các xu hướng hợp tác mới trong GDĐH xuyên biên giới, phát hiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ sẽ đóng vai trò thay đổi xu hướng hợp tác GDĐH trong tương lai.
Diễn đàn cũng gợi mở những thảo luận về các chủ đề liên quan tới phát triển hợp tác quốc tế giữa các cơ sở GDĐH; xúc tiến các cơ hội đàm phán, ký kết hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và nước ngoài.
Sau thời gian thảo luận, các đại biểu đều đi đến thống nhất, đã đến lúc các trường đại học ở Việt Nam cũng như trên thế giới cần chung tay kết nối, hợp tác, đồng sáng tạo các mô hình mới nhằm phụng sự cộng đồng và trên hết, để nhà trường thực sự là nơi xây dựng và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo một cách bền vững.
“Thế giới đang thay đổi, cách thức và giao tiếp trong môi trường làm việc cũng vậy; tâm lý, hành vi và những ưu tiên của thế hệ trẻ càng thay đổi mạnh mẽ. Do đó, các nhà trường với sứ mệnh kiến tạo, chuyển giao và lan tỏa tri thức cùng các giá trị cộng đồng sẽ cần đi tiên phong để tận dụng tối đa các cơ hội từ chính xu thế này”, ông Tuấn chia sẻ.