Kinh nghiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Thái Lan
Xây dựng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn đối với hàng nông sản được áp dụng cho ba nhóm bao gồm thực vật, động vật nuôi và cá, được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế của nhóm các tổ chức Chương trình tiêu chuẩn thực phẩm của FAO/WHO (FAO/WHO Food Standards Programme (Codex)), Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (International Plant Protection Convention (IPPC)) và Văn phòng quốc tế về bệnh dịch động vật (Office International des Epizootic (OIE)). Ngoài ra, nội dung của Bộ tiêu chuẩn cũng tương thích với các thông số khoa học, các tiêu chuẩn và quy định của các quốc gia tiên tiến.
Tiêu chuẩn đối với hàng nông sản thuộc sự quản lý của Cục tiêu chuẩn thực phẩm và hàng nông sản (ACFS). Các tiêu chuẩn này bao trùm mọi yếu tố về an toàn và vệ sinh dịch tễ đối với sức khỏe của con người, động vật và thực vật. 8 bước xây dựng quy trình, tiêu chuẩn của ACFS bao gồm: (i) Xác định thứ tự ưu tiên của đối tượng cần xây dựng tiêu chuẩn; (ii) Thành lập một ủy ban kỹ thuật để soạn thảo; (iii) Soạn thảo dự thảo tiêu chuẩn; (iv) Thành lập ủy ban đánh giá; (v) Lấy ý kiến của tất cả các bên có liên quan; (vi) Trình ủy ban kiểm soát và Hội đồng ACFS; (vii) Thông báo với WTO và các nước thành viên (đối với những tiêu chuẩn bắt buộc phải thông báo); (viii) Đăng công báo.
Thái Lan áp dụng quy trình Good Agriculture Practices (GAP) trong sản xuất hàng nông sản nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đa số nông dân được chính phủ hướng dẫn và hỗ trợ cặn kẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP từ khâu chọn cây giống cho đến bón phân, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Trong khâu tiêu thụ có sự kết hợp giữa các nhà bán lẻ với hệ thống siêu thị rồi từ đó chia nhỏ ra thành những đại lý ở nhiều nơi để thu mua hàng hóa tại nơi sản xuất. Một số nơi có thể cử nhân viên đến giám sát và thẩm tra thường xuyên quá trình sản xuất, ghi chép vào sổ sách và xem xét độ an toàn và phù với ới tiêu chuẩn đề ra của quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã xây dựng hệ thống kiểm soát nhập khẩu nhằm quản lý chất lượng các loại thực phẩm, hóa chất cũng như kiểm soát dịch bệnh xâm nhập.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các chiến dịch về an toàn thực phẩm
Hàng năm, Thái Lan sản xuất một lượng lớn nông sản và thực phẩm và đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền về về sinh an toàn thực phẩm. Năm 2004, chính phủ Thái Lan phát động là “năm an toàn thực phẩm” để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm quan tâm tới sức khỏe con người. Đặc biệt, Thái Lan thường xuyên tổ chức chương trình “Bếp ăn của thế giới” để tuyên truyền, quảng bá về thực phẩm Thái Lan trên toàn thế giới. Nhờ đó, người tiêu dùng kể cả Thái Lan và quốc tế đều thể hiện sự tin tưởng đối với chất lượng thực phẩm của nước này.
Chính phủ Thái Lan cũng đã kêu gọi các nhân tố tham gia vào các khâu nuôi trồng và chế biến thực phẩm đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường thúc đẩy các kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh từ thực phẩm không an toàn trong toàn bộ quy trình sản xuất và chế biến (thường được gọi là các chiến lược “từ trang trại tới bàn ăn”, “từ trang trại tới dĩa ăn”).
Xây dựng hệ thống cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm
Thái Lan đã ban hành chương trình an toàn thực phẩm quốc gia (National Food Safety Program) và đã xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, lĩnh vực Thái Lan đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho thực phẩm nước này. Trong đó:
- Bộ Y tế kiểm soát thực hiện các quy định bởi đạo luật Thực phẩm B.E 2522 (1979) và đạo luật dược phẩm B.E 2510 (1967) quy định về thuốc thú y và tiền chất.
- Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã kiểm soát thực hiện quy định bởi đạo luật Thủy sản B.E. 2490 (1947), đạo luật bảo vệ đa dạng thực vật B.E. 2542 (1999), đạo luật về nhập khẩu và tạm nhập tái xuất động vật B.E. 2535 (1992), đạo luật kiểm soát chất lượng thức ăn B.E. 2542 (1999).
- Bộ Công nghiệp kiểm soat các quy định của đạo luật chất lượng hàng hóa công nghiệp B.E. 2511 (1968).
- Bộ Thương mại kiểm soát thực hiện các quy định của đạo luật kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu B.E. 2522 (1979)
Các cơ quan tổ chức tham gia vào hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm tại Thái Lan:
- Bộ Y tế: Cục quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm (FDA); Cục khoa học dược phẩm (DMSc); Cục y tế (DOH); Văn phòng bí thư thường trực; Trung tâm an toàn thực phẩm;
- Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã: Cơ quan quốc gia về tiêu chuẩn thực phẩm và hàng nông sản (ACFS); Cục Thủy sản; Cục Nông nghiệp; Cục Phát triển vật nuôi.
Chế tài đối với các vi phạm liên quan an toàn thực phẩm
Theo đạo luật thực phẩm Food Act B.E. 2522 (1979) các vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm các điều khoản của đạo luật. Mức hình phạt tối đa lên tới 100 nghìn Bạt và hình phạt tù tối đa 10 năm. Theo đạo luật này, việc áp đặt hình phạt do Tổng thư ký của Cục Thực phẩm và dược phẩm (FDA) Bộ Y tế quy định hoặc người do Tổng thư ký FDA chỉ định. Các vi phạm nghiêm trọng, gây ra hậu quả xấu sẽ được điều tra và chuyển tới cơ quan cảnh sát hoàng gia Thái Lan xử lý hình phạt tù nếu cần thiết.
Các chính sách trên của Thái Lan đã huy động được sự phối hợp của các bên liên quan như các cơ quan chính phủ, ngành công nghiệp thực phẩm, nông dân, truyền thông, các viện, trường, và đông đảo công chúng tham gia và đã tạo được hiệu ứng tốt giúp Thái Lan có nhiều thành tựu trong việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm và được ghi nhận, đánh giá cao. Thái Lan đã được chọn là quốc gia chủ nhà để tổ chức diễn đàn toàn cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm lần thứ hai (FAO/WHO Global Forum of Food Safety Regulators - GF2) để phố biến kinh nghiệm và trao đổi thông tin nhằm bảo vệ sức khỏe con người trên toàn cầu. Thái Lan cũng được chỉ định làm trung tâm mạng lưới an toàn thực phẩm ASEAN.
Tóm lại, Thái Lan là một trong những quốc gia quan tâm sớm tới việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đã ban hành các chính sách hợp lý, trong đó huy động được đông đảo các lực lượng từ chính phủ, các tổ chức xã hội tới người dân nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ xuất khẩu. Những kinh nghiệm trên có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong việc thực hiện kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng trong cả nước, thúc đẩy việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế để thực phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh ta đang có điều kiện thuận lợi khi vừa kết thúc đàm phán một loạt các khu vực thương mại tự do với các khu vực và quốc gia trên thế giới.