Hệ quả của cuộc bầu cử Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ với kinh tế nước này và thương mại với Việt Nam
Với 317 ghế trên tổng số 550 ghế tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, AKP đủ khả năng thành lập được một chính phủ hoàn toàn do AKP kiểm soát và sẽ điều hành Thổ Nhĩ Kỳ cho tới năm 2019.
Tác động tới kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ
Hiệu ứng từ kết quả bầu cử là việc đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và thị trường chứng khoán nước này chứng kiến những sự thay đổi tích cực. Chỉ số chứng khoán BIST trên sàn giao dịch Istanbul đã tăng 5,5% lên mốc 83.831 điểm. Trong khi đó, đồng lira cũng tăng giá so với đồng USD sau khi đã mất tới 25% giá trị kể từ đầu năm. Nguyên nhân của sự mất giá đó một phần là bởi tình hình chính trị bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ khi kết quả cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 6 năm 2015 khiến nước này tạm rơi vào tình trạng không có chính phủ chính thức. Với việc AKP tái khẳng định thế thượng phong, đồng lira đã tăng 4,5% giá trị so với đồng USD ngay trong ngày 2 tháng 11.
Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả bầu cử sẽ chấm dứt quá trình chuyển giao chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ và hướng tới một giai đoạn củng cố sức mạnh của nền kinh tế nước này. Hãng tín nhiệm Moody đã đưa ra thông cáo cho biết chiến thắng của AKP đã làm giảm đi những mối lo ngại về bất ổn chính trị từng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài rụt rè và khiến giao dịch trong nước trì trệ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức trong tương lai: dòng vốn đổ ra nước ngoài, lạm phát cao và tỷ lệ tăng trưởng chậm. Những dấu hỏi đang được đặt ra về các chính sách kinh tế trong tương lai và cả vấn đề an ninh bất ổn đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch của nước này. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng AKP sẽ có thể đưa ra các cải cách về kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất và nhu cầu tiêu dùng nội địa để nâng cao xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP.
Một vài tác động tới xuất khẩu của Việt Nam
Nhìn chung, việc thành lập chính phủ mới sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế và gia tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam do nhiều trong các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là nguyên liệu sản xuất như sợi, cao su ... Tuy nhiên với việc thượng tầng trở lại trật tự cũ, gần như chắc chắn Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục những chính sách hạn chế nhập khẩu, tác động bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra phòng vệ thương mại với nhiều nhóm hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam vào nước này và sau khi có Chính phủ mới, Thổ Nhĩ Kỳ sớm đưa ra quyết định điều tra đối với các mặt hàng bị điều tra vẫn chống lẩn thuế chống bán phá giá như gỗ dán ép, đá granit, ống thép không gỉ... có xuất xứ từ Việt Nam. Cũng không ngoại trừ khả năng cơ quan điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra những quyết định nhằm hạn chế nhập khẩu, bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong các vụ việc khác như điều tra tự vệ với điện thoại di động, điều tra chống bán phá giá đối với sợi dún. Hầu hết các vụ điều tra trên đều đã được kéo dài thời hạn điều tra và cơ quan điều tra vẫn tạm trì hoãn đưa ra phán quyết cho tới khi có chính phủ mới. Theo số liệu 8 tháng đầu năm 2015 do Hải quan Việt Nam công bố, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh như Sắt thép giảm 88%; Chè giảm 84,6%; Gạo 43% và Hàng dệt may 46,2%. Trong số này, mặt hàng Sắt thép chịu tác động lớn từ việc Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn thuế đối với ống thép inox. Đây là mặt hàng chiếm phần lớn trong các mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Việt Nam.