Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6
Với khẩu hiệu “Bán đảo Nhật Bản thay đổi, lục địa Châu Phi cũng thay đổi”, Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (Ticad) lần thứ 6 sẽ diễn ra tại thủ đô Nairobi, Kenya từ ngày 27 và 28 tháng 8 năm 2016. Hội thảo này là một trong những khuôn khổ quan trọng nhất về hợp tác và hỗ trợ phát triển của Nhật Bản tồn tại từ 23 năm nay. Ticad ra đời năm 1993 và được tổ chức 3 năm một lần.
Đây là lần đầu tiên Ticad được tổ chức ngoài Nhật Bản, điều đó cho thấy đất nước mặt trời mọc coi trọng đối tác Châu Phi, muốn xem lục địa này là một trong những ưu tiên về địa chiến lược. Cũng không phải ngẫu nhiên sự kiện diễn ra tại Nairobi vì Kenya cùng với Nam Phi và Ghana là một trong những đối tác lâu đời và trung thành nhất của Nhật Bản tại lục địa này.
Dự kiến, Hội nghị sẽ đón tiếp hơn 6000 đại biểu đến từ Châu Phi (trong đó có khoảng 40 nguyên thủ) và Nhật Bản cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ chính, xã hội dân sự và lĩnh vực tư nhân quốc tế. Khoảng 150 công ty Nhật Bản đã đăng ký tham dự diễn đàn doanh nghiệp diễn ra vào ngày 26 tháng 8 do Tổ chức ngoại thương Nhật Bản (JETRO) chủ trì. JETRO hiện có 7 văn phòng đại diện tại Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Nigeria và Maroc. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hiện diện tại Châu Phi đã tăng gấp đôi so với thời điểm tổ chức Hội thảo lần trước, từ 333 lên 687 doanh nghiệp. Trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và Châu Phi vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang châu lục này đạt 8,57 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Nhật Bản từ Châu Phi là 11,55 tỷ USD. Những khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải tại Châu Phi là quản lý rủi ro chính trị và an ninh. Ngoài ra là vấn đề thuế, chuyển tiền và thủ tục hải quan cũng như thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Ngoài việc tăng cường đối tác công-tư (PPP) - hòn đá tảng trong quan hệ hợp tác của Nhật Bản tại châu Phi, Ticad VI sẽ là dịp điểm lại các hoạt động đã triển khai kể từ Hội nghị lần trước (diễn ra tại Yokohama vào tháng 6/2013) về công nghiệp hóa châu Phi, cải thiện bộ máy y tế hay thúc đẩy ổn định xã hội trước tình trạng đói nghèo và chủ nghĩa cực đoan.
Trong chuyến thăm châu Phi năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc lại việc Chính phủ Nhật hứa dành 1,4 tỷ USD tại Ticad VI cho việc tăng cường hòa bình và ổn định tại khu vực Sahel, Trung Phi và Nam Sudan nơi từ năm 2012, Nhật Bản đã tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hiệp quốc. Hiện Nhật Bản có 400 binh sỹ tại Djouba và nhiều máy bay chở quân tại Nam Sudan. Còn nhớ tháng 9/2015, sau cuộc tranh luận kéo dài và kịch liệt tại Nghị viện, Quốc hội Nhật Bản đã nhất trí sửa đổi điều 9 Hiến pháp cho phép gửi các lực lượng tự vệ của Nhật Bản đến các vùng chiến sự ở bên ngoài.
Tokyo hiện vẫn bị ám ảnh về vấn đề chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ kiều dân tại châu Phi, nhất là từ sau vụ bắt cóc con tin tại nhà máy lọc dầu In Amenas, ở An-giê-ri vào tháng 1/2013, làm 10 nhân viên người Nhật thiệt mạng.