Hội thảo "Cải cách nền kinh tế Việt Nam: vai trò của các đối tác chiến lược"
Hai diễn giả chính: Giáo sư – tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Khương, Đại học Paris 1 và Giáo sư – Luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Douane Morris Việt Nam, đã điểm lại những thành tự to lớn về phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam đạt được kể từ khi đổi mới và dự báo lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế – thương mại của Việt Nam trong những năm tới nhờ những cải cách quan trọng gần đây như Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi và khả năng ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, v.v…
Ông Jean-Pierre Cling - chuyên gia Tổng vụ Toàn cầu hóa, Bộ Ngoại giao Pháp và Tiến sĩ Jean-Raphaël Chaponnière - chuyên gia về Việt Nam của AFD, hai khách mời phản biện của Chương trình, đồng tình với những đánh giá tích cực của Diễn giả song cũng chỉ ra những thách thức nghiêm trọng mà Việt Nam phải tìm ra giải pháp khắc phục trong tiến trình mở cửa và hội nhập. Đó là tình trạng nợ xấu không được giải quyết hợp lý (chỉ chuyển từ túi này sang túi khác), hoạt động ngân hàng thiếu hệ thống kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, tiến trình cổ phần hóa ì ạch và không triệt để, mức độ phụ thuộc về thương mại – đầu tư vào một số ít đối tác nước ngoài quá lớn, khu vực kinh tế tư nhân phát triển chậm, v.v…
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đồng chủ trì Hội thảo khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cải cách nền kinh tế theo những đòi hỏi của thị trường và theo những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ông Cường cũng cho rằng «trao đổi ưu đãi tiếp cận thị trường trên cơ sở cùng có lợi » với các đối tác chiến lược là một trong những công cụ để Việt Nam phát triển. Việt Nam nhận thức được các lĩnh vực cần phải cải cách, các thách thức cần phải vượt qua và rất quyết tâm đổi mới. Các đối tác chiến lược của Việt Nam, trong đó có Pháp, là những người bạn mà Việt Nam sẽ tham vấn, học hỏi kinh nghiệm (cả thành công và thất bại) trong quá trình xây dựng các dự án cải cách kinh tế.
Chủ trì Hội thảo, Tiến sĩ Françoise Nicolas - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc IFRI, đánh giá cao chất lượng các ý kiến trao đổi và cho rằng Hội thảo đã chuyển tải những thông tin khách quan về thực trạng và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách và giới chủ doanh nghiệp Pháp cần phải có cách đánh giá và tiếp cận tích cực để đón đầu những cơ hội mới tại Việt Nam đang đến rất nhanh.