Hoa Kỳ và Trung Quốc mâu thuẫn về việc công nhận kinh tế thị trường đối với hàng hóa Trung Quốc
Một điều khoản trong Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc cho phép các thành viên WTO sử dụng phương pháp tính giá không phải dựa vào chi phí thực tế của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các vụ kiện chống bán phá giá, nếu các nhà sản xuất đó không thể chứng minh rằng ngành sản xuất của họ hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị trường. Hoa Kỳ đã sử dụng điều khoản này để tự động áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và theo đó có thể áp thuế chống bán phá giá cao hơn bình thường.
Quy định này sẽ hết hiệu lực ngày 11 tháng 12 năm 2016, nhưng chưa có thỏa thuận về tác động của nó. Trung Quốc khẳng định rằng các thành viên WTO cần phải ngừng hoàn toàn việc sử dụng phương pháp luận “kinh tế phi thị trường” với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày quy định hết hiệu lực, và một quan chức Trung Quốc gần đây cho biết không Bên nào liên quan đến việc gia nhập WTO của Trung Quốc "có thể trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với điều ước quốc tế bằng cách sử dụng luật pháp trong nước như một cái cớ”. Hoa Kỳ và các Bên khác từ chối diễn giải của Bắc Kinh và cho biết họ được phép tiếp tục sử dụng phương pháp này kể cả sau ngày 11 tháng 12 nếu người khiếu kiện chứng minh được một cách rõ ràng các điều kiện kinh tế thị trường vẫn không áp dụng trong ngành bị tranh cãi. Khu vực tư nhân ủng hộ quan điểm này thì cho rằng chính quyền trung ương Trung Quốc vẫn còn kiểm soát đáng kể đối với nền kinh tế quốc gia, do đó thường xuyên gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, và việc công nhận nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc sẽ càng làm cho những tác động bất lợi do các chính sách của chính phủ gây ra trở nên trầm trọng hơn.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng cho rằng không quy định nào trong luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu việc chấp nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường phục vụ cho mục đích chống bán phá giá sau ngày 11 tháng 12. Thay vào đó, DOC có ý định xem xét vấn đề công nhận kinh tế thị trường đối với Trung Quốc trong từng trường hợp cụ thể, và trong bối cảnh từng vụ kiện chống bán phá giá.
Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đe dọa đưa vấn đề này ra giải quyết tranh chấp tại WTO để chống lại Hoa Kỳ và các thành viên khác liên quan vì đã không sửa đổi luật và quy định theo cách diễn giải của Trung Quốc. Đây có thể là cách duy nhất để có được một câu trả lời dứt khoát, nhưng theo ghi nhận tại Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện hành.