Đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan tăng trưởng ấn tượng 143% trong năm 2015
Sát nhập là hình thức đầu tư được các tập đoàn, doanh nghiệp Thái Lan ưa chuộng nhất, chủ yếu tại In-đô-nê-xi-a nơi có nguồn nguyên vật liệu dồi dào và thị trường tiềm năng. Cam-pu-chia cũng được đánh giá cao do mức tăng trưởng tốt. Nhiều quốc gia khác bao gồm Lào, My-an-ma, và Việt Nam bên cạnh các quốc gia Châu Âu.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan nằm trong chính sách của Bộ Thương mại Thái Lan khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là nhóm quốc gia CLMV bao gồm Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, và Việt Nam. Xu hướng trên cho thấy định hướng của Chính phủ Thái Lan không chỉ dựa vào xuất khẩu mà còn phải đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài để gia tăng lợi nhuận.
Trong năm 2016, mục tiêu của Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tập trung vào việc khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thương mại biên giới. Trong năm 2015. thương mại biên giới của Thái Lan, chủ yếu với Xing-ga-po, miền Nam Trung Quốc và Việt Nam đạt giá trị 1,4 nghìn tỉ Bạt (39,2 tỉ USD), tăng 3,48% so với năm 2014 nhưng vẫn dưới mục tiêu 1,5 nghìn tỉ Bạt (42 tỉ USD). Xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước láng giềng góp phần giảm nhu cầu nhập khẩu được coi như nguyên nhân chính khiến thương mại biên giới giảm dưới mục tiêu trong năm 2015.
Các nhà đầu tư tại khu vực kinh tế đặc biệt sẽ nhận được nhiều ưu đãi của Ban Đầu tư Thái Lan (BOI) tiêu biểu như miễn thuế doanh nghiệp trong vòng 8 năm, giảm 50% thuế ưu đãi tính trên tổng lợi nhuận từ nhà đầu tư trong vòng 5 năm, tăng gấp đôi mức giảm đối với chi phí vận tải, điện và nước trong vòng 10 năm và giảm thêm 25% thuế đối với chi phí lắp đặt và xây dựng cơ sở vật chất.
Các ưu đãi khác bao gồm giảm thuế nhập khẩu đối với máy móc, miễn giảm trong thời hạn 5 năm đối với vật liệu thô và cần thiết trong sản xuất phục vụ xuất khẩu và cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài không có tay nghề đối với một số dự án.