Cơ hội tăng cường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào Thụy Điển
Tại Stockholm, đoàn đã được nghe đại diện của Liên đoàn các nhà nhập khẩu Thụy Điển (Svensk Handel) giới thiệu tổng quan và chi tiết về chức năng nhiệm vụ của tổ chức; các kênh nhập khẩu, phân phối hàng hóa; danh sách các nhà bán buôn và bán lẻ hàng tiêu dùng lớn tại Thụy Điển trong các lĩnh vực thực phẩm, rau quả và dệt may; thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện nay của thị trường Thụy Điển; và cách giao tiếp ứng xử trong giao dịch với giới doanh nhân Thụy Điển. Svensk Handel là tổ chức đại diện cho lợi ích thương mại và công đoàn của 13.000 doanh nghiệp thành viên bao gồm các nhà chuyên kinh doanh bán buôn, bán lẻ và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đại diện đoàn Sở Công Thương Hà Nội đã giới thiệu với bạn về tiềm năng trao đổi thương mại của địa phương Hà Nội, đồng thời các doanh nghiệp trong đoàn cũng tranh thủ cơ hội trực tiếp giới thiệu các sản phẩm của mình có thể nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Để có cái nhìn thực tiễn về thị trường phân phối, bán lẻ tại Thụy Điển, đại diện Liên đoàn và đoàn công tác đã đi khảo sát thực tiễn, tìm hiểu trực tiếp về các nhà phân phối đã và đang nhập khẩu, bán hàng tiêu dùng của Việt Nam như giầy dép, quần áo và đồ mây tre. Đoàn cũng đến thăm và giới thiệu sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp Việt kiều chuyên trưng bày và bán hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Tại Thành phố Lund, đoàn đã gặp làm việc với các đại diện của Học viện thiết kế sản phẩm công nghiệp thuộc Trường Đại học Lund. Đây là một trong những cơ sở có danh tiếng hàng đầu của Thụy Điển chuyên đào tạo các sinh viên, chuyên gia thiết kế và thực hiện các dự án về thiết kế các sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Học viện đã giới thiệu về tiềm năng hợp tác của mình với Việt Nam nói chung và với Thành phố Hà Nội nói riêng, hướng dẫn đoàn đi tìm hiểu cơ sở vật chất thực hành của sinh viên.
Trên cở sở thành công bước đầu trong trao đổi hợp tác giữa hai bên thời gian qua, cụ thể là việc thực hiện đề án thành lập Trung tâm Thiết kế Hà Nội (Ha Noi Design Centre), tại cuộc gặp, với sự chứng kiến của đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, đại diện Học viện thiết kế sản phẩm công nghiệp Lund và đại diện Sở Công Thương Thành phố Hà Nội đã cùng nhau ký kết Văn bản ghi nhớ (MOU) tóm tắt tình hình trao đổi hợp tác thời gian qua và đưa ra các khuyến nghị nhu cầu hợp tác cho thời gian tới.
Việt Nam có thế mạnh về nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào và nhân công có tay nghề cao, trong khi Thụy Điển có thế mạnh về các ý tưởng sáng tạo, dịch vụ đào tạo và thực hiện các dự án chuyển giao tri thức, công nghệ và kỹ thuật thiết kế các sản phẩm công nghiệp và hàng thủ công mỹ nghệ. Sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ thiết kế sản phẩm giữa Việt Nam và Thụy Điển khi được kết tinh vào những sản phẩm cụ thể thì sẽ tạo ra các hàng hóa đáp ứng phù hợp hơn, sát thực hơn với xu thế và thị hiếu tiêu dùng hiện hành của thị trường Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung, từ đó sẽ mở ra cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào khu vực thị trường này trong thời gian tới.