Các chính sách và sáng kiến kinh tế nổi bật của Thái Lan trong nửa đầu năm 2016
(i) tập trung phát triển kinh tế nội địa thay thế cho việc chỉ dựa vào xuất khẩu; (ii) dự án phát triển hệ thống nước phục vụ nông nghiệp tại địa phương; (iii) phát triển du lịch tập trung vào các làng truyền thống, tỉnh thành; (iv) tập trung vào thị trường CLMV bao gồm Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam.
Mặc dù triển vọng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2016 được các chuyên gia đánh giá tốt hơn năm 2015, tuy nhiên, mức tăng trưởng 2% không đủ để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính vì vậy, Chính phủ Thái Lan, trong nửa đầu năm 2016, đặt trọng tâm phát triển kinh tế nội địa đặc biệt là việc thúc đẩy thành lập mô hình doanh nghiệp cộng đồng. Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) sẽ phối hợp cùng với Chính phủ triển khai chương trình trên và chịu trách nhiệm là cơ quan phân phối, đồng thời là kênh quảng bá các sản phẩm nội địa.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), trong khu vực nông nghiệp, sẽ được ngân hàng Thái Lan giúp đỡ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và đột phá giúp họ cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn sẽ nhận được các ưu đãi về thuế khi triển khai các chương trình hợp tác với nhiều doanh nghiệp theo mô hình start-ups.
Chính phủ Thái Lan cũng muốn ưu tiên tăng cường đầu tư, trong phạm vi địa phương, các nhà máy chế biến nông nghiệp hay dành những ưu đãi hấp dẫn đối với các đơn vị kinh doanh sẵn sáng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc hợp tác với người nông dân.
Nhằm đối phó với tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp đặc biệt là gạo, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ ưu tiên thêm nhiều dự án phát triển hệ thống cung cấp nước phục vụ nông nghiệp bên cạnh những hỗ trợ về máy móc, chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Chính phủ cũng xúc tiến việc xây dựng mô hình xay xát cộng đồng cũng như tăng cường đầu tư các trang thiết bị cần thiết để phục vụ sản xuất.
Một trọng tâm khác của Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung phát triển du lịch hướng vào các làng truyền thống, tỉnh thành phố. Trong năm 2015, ngành du lịch là một trong những điểm sáng hiếm hoi đóng góp 2,2 nghìn tỉ Bạt (60,6 tỉ USD) vào tăng trưởng kinh tế Thái Lan. Số lượng khách du lịch quốc tế cán mốc 30 triệu người vào năm ngoái và được dự báo tăng lên mức 32,5 triệu người với doanh thu dự kiến đạt xấp xỉ 2,3 nghìn tỉ Bạt (63,4 tỉ USD) trong năm 2016. Chính vì vậy, Chính phủ Thái Lan coi trọng việc ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch nhằm thu hút du khách. Trọng tâm được điều chỉnh hướng đến các làng truyền thống và tỉnh thành phố thay vì chỉ tập trung tại các thành phố lớn như trước đây.
Để triển khai các chương trình trên, Chính phủ Thái Lan sẽ trích một khoản ngân sách từ chương trình Village Fund để đầu tư vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương. Ủy ban chịu trách nhiệm về quỹ Village Fund sẽ phải nộp kế hoạch đầu tư tới Văn phòng Quỹ Cộng đồng Đô thị và Làng quốc gia (National Village and Urban Community Fund Office) trước thời điểm 20/1 để trình Nội các và người dân.
Ngoài ra, chính sách mới của Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung hướng vào khu vực nhóm quốc gia CLMV bao gồm Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, và Việt Nam. Đây đều là những thị trường tiềm năng không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu mà còn là điểm đến đầu tư phù hợp với nhiều doanh nghiệp Thái Lan. Vì vậy, trong năm 2016, Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung vào nhóm quốc gia CLMV đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại truyền thống đang giảm sức mua.