Bước ngoặt trong đàm phán mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin
Theo Tổng giám đốc WTO Azevêdo, tổng thương mại hàng năm của các sản phẩm mới được cam kết này có giá trị hơn 1,3 ngàn tỷ đô la Mỹ, chiếm 7% tổng thương mại thế giới và lớn hơn tổng giá trị thương mại toàn cầu của mặt hàng ô tô hoặc của ba mặt hàng dệt may, sắt và thép cộng lại.
Hiệp định ITA mở rộng cũng bao gồm cam kết trong việc giải quyết vấn đề hàng rào phi thuế quan trong lĩnh vực công nghệ thông tin và việc đánh giá danh sách các sản phẩm có thể được tiếp tục mở rộng nhằm phản ánh sự phát triển của công nghệ trong tương lai.
Đàm phán Hiệp định ITA kết thúc năm 1996 và quy định việc miễn thuế cho khoảng 180 sản phẩm công nghệ cao giữa 81 nước ký kết, có trị giá xuất khẩu hàng năm khoảng 2 ngàn tỷ đô la Mỹ. Hiệp định ITA mở rộng sẽ bao gồm các sản phẩm khác như thiết bị y tế, thiết bị định vị, bảng điều khiển của máy chơi điện tử, hộp mực máy in, máy quay phim, máy đổi điện tĩnh và cuộn cảm biến, loa phóng thanh, phương tiện truyền thông phần mềm (ví dụ ổ đĩa trạng thái rắn), chất bán dẫn thế hệ mới, thẻ mua tại điểm bán để tải phần mềm và trò chơi, đèn LED, màn hình cảm ứng, thiết bị học tập điện tử cho trẻ em và các công cụ thử nghiệm và công nghệ thông tin và truyền thông khác nhau.
Đàm phán Hiệp định ITA mở rộng đã bị trì hoãn hơn 1 năm sau khi Trung Quốc tuyên bố muốn loại bỏ hàng tá các sản phẩm nhạy cảm khỏi danh sách bổ sung. Tuy nhiên, các nhà đàm phán từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc đã có một số nhượng bộ tại phiên đàm phán mới nhất nhằm đạt được thỏa thuận.
Theo WTO, đa số thuế áp dụng cho các sản phẩm này sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm, bắt đầu thực hiện từ 2016. Các nước thành viên tham gia sẽ phải đưa ra lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan đối với các mặt hàng này vào tháng 10 năm nay, nhằm tiến tới thực thi tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Nai-rô-bi diễn ra vào tháng 12 năm nay.