Bản tin thị trường Úc tháng 6/2015
Ngày vải thiều Việt Nam tại Úc – Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Từ ngày 29/6 đến hết ngày 4/7/2015, “Ngày vải thiều Việt Nam tại Úc” đã được Thương vụ Việt Nam tại Úc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc châu tổ ở thành phố Melbourne, bang Victoria, và 3 khu vực tập trung đông cộng đồng người Việt sinh sống là Cabramatta, Bankstown, và Marrickville, thuộc Bang New South Wales, trong đó điểm xa nhất cách trung tâm Sydney khoảng 50km.
Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm xúc tiến đưa trái vải Việt Nam vào thị trường Úc của Thương vụ Việt Nam.
Vải Việt Nam bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Nhiều kiều bào xa tổ quốc cho biết, đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm, họ mới có cơ hội thưởng thức hương vị vải thiều quê hương. Nhiều người Úc vẫn còn lạ lẫm với trái vải Việt. Song, sau khi nếm thử, họ đều tỏ ra hào hứng và thích hương vị của trái cây này. Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, hơn 300kg vải đã được tiêu thụ với giá 14,99 AUD/kg tại điểm bán Melbourne và gần 2 tấn vải được tiêu thụ tại các điểm bán ở Sydney.
Người Việt ở Úc háo hức chờ mua vải thiều
Những chuyến hàng thử nghiệm đầu tiên đưa vải thiều tới Úc nhận được sự quan tâm của không ít người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại quốc gia này.
Anh Hoàng Kinh, một người Việt Nam sống ở thành phố Adelaide (Úc) nhiều năm, cho biết, vải tươi là mặt hàng xa xỉ và thường chỉ có ở siêu thị lớn. Những lần thèm ăn vải, anh phải đến Woolworths - một trong những siêu thị lớn nhất Úc - mua với giá 1 USD một quả. Dù giá khá đắt, nhưng theo anh, quả thường không tươi, vị nhạt, kích thước quả nhỏ chỉ bằng 1/3 vải thiều Việt Nam.
Do đó, khi biết tin vải Việt Nam đã có mặt ở Úc, anh Kinh rất vui. Chưa mua được vải Việt Nam ở xứ người song anh cho hay nhất định sẽ tìm bằng được. Theo anh, 21-22 AUD/kg (gần 400.000 đồng/kg) là mức giá chấp nhận được.
Ở Úc, các loại hoa quả khá ngon và rẻ. Song vải tươi, thứ quả quá thông dụng với người Việt Nam vào những ngày tháng 5-6, lại hiếm và đắt. Vì thế, mỗi khi thèm vải, Minh Trang, du học sinh sống ở Melbourne chỉ dám mua loại bóc sẵn, đóng hộp. Sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan và bờ Đông Úc thường được bán với giá 2-3 USD một hộp 500g.
Trang cho biết, ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) vừa rồi, cô tình cờ đi siêu thị và thấy vải Việt Nam. Giá bán tương đối cao, lên đến 21,99 AUD/kg nhưng cô vẫn mua 2 kg. “Vải quê hương tươi, ăn thơm, ngọt và mọng nước. Nhấm nháp từng quả, tôi rớt nước mắt vì mừng và nhớ quê”, cô sinh viên quê gốc ở Hải Dương chia sẻ.
Australia gia nhập và đóng góp 930 triệu đô la cho Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á AIIB
Ngày 24/6, Australia cho biết, ngày 29/6 tới, phái đoàn ngoại giao và tài chính Australia sẽ có mặt ở Bắc Kinh để ký kết văn kiện trở thành hội viên sáng lập AIIB do TQ khởi xướng. Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey tuyên bố Australia sẽ đóng góp 930 triệu USD cho ngân hàng AIIB trong vòng 5 năm, trở thành cổ đông lớn thứ 6 của ngân hàng này. Quyết định này được công bố sau khi Australia đàm phán với TQ và các đối tác chính khác.
Với sự tham dự của Australia, AIIB đã có 57 quốc gia hội viên sáng lập. Hai cường quốc kinh tế giới là Mỹ và NB không tham gia.
Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gia súc Úc thăm Việt Nam
Hiệp hội xuất khẩu gia súc Úc thông báo ông David Galvin, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gia súc Úc và ông Simon Crean, Chủ tịch Hội đồng các nhà xuất khẩu gia súc Úc sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24 - 25/7/2015. Hai bên bày tỏ mong muốn được gặp Bộ trưởng Cao Đức Phát và làm việc với các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian ở Việt Nam để trao đổi thúc đẩy hợp tác việc xuất khẩu gia súc sống của Úc sang thị trường Việt Nam, các vấn đề súc quyền, quy chuẩn giết mổ gia súc, khả năng hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc trong 5 tháng đầu năm 2015
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 2,06 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt khoảng 1,29 tỷ USD, giảm 15,5%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 765,57 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do dầu thô thông thường chiếm khoảng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc có sự giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm, giảm tới 54% kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm.
Khai trương Hội đồng Kinh doanh Việt Nam-Tây Úc
Ngày 18/6, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thủ phủ Perth của bang Tây Úc đã phối hợp với chính quyền bang, Phòng Thương mại Công nghiệp bang tổ chức lễ ra mắt Hội đồng Kinh doanh Việt Nam-Tây Úc (WAVBC).
Hội đồng có vai trò đầu mối thông tin, hỗ trợ việc trao đổi và xúc tiến các cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp hai bên.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Lê Viết Duyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai trương WAVBC trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng lớn mạnh, được tăng cường, củng cố và làm sâu sắc thêm, đánh dấu bằng chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Úc tháng 3/2015 và việc ký kết Quan hệ Đối tác Tăng cường giữa Việt Nam và Úc.
Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và bang Tây Úc đang trên đà phát triển mạnh mẽ; kim ngạch thương mại tăng 227% trong hai năm qua, đạt 1.185 tỷ AUD vào năm 2014.
Tổng Lãnh sự cũng bày tỏ hy vọng với sự ra đời của WAVBC, hội đồng sẽ hỗ trợ xúc tiến kết nối, trao đổi giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng cường hơn nữa hoạt động kinh tế thương mại giữa hai bên, đặc biệt khi Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.
Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự cũng giới thiệu với các quan khách về quả vải thiều, sản phẩm mới nhất của Việt Nam được đưa vào thị trường Úc trong thời gian gần đây.
Một số chính sách kinh tế của Úc trong năm 2015
Trong năm 2015, Úc đã đưa ra một số chính sách về kinh tế, cụ thể như sau:
Chính sách tài khóa 2015
Khẩu hiệu trong chính sách tài khóa 2015 của Úc là “Việc làm, Tăng trưởng và Cơ hội”.
Để hỗ trợ khuyến khích đầu tư, Chính phủ đưa ra gói ngân sách 5,5 tỷ AUD, trong đó có 5 tỷ hỗ trợ bằng cách cắt giảm thuế để tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tất cả các doanh nghiệp nhỏ sẽ được khấu trừ thuế ngay lập tức khi mua mỗi một loại tài sản trị giá dưới 20.000 AUD. Số lượng tài sản không bị hạn chế, miễn là trị giá dưới 20.000 sẽ được giảm thuế. Chương trình này kéo dài đến tháng 6/2017. Ngân sách mới cũng giảm thuế cho 90% doanh nghiệp nhỏ, có doanh thu hàng năm dưới 2 triệu AUD, thuế doanh nghiệp sẽ giảm 1,5% xuống còn 28,5% kể từ tháng 7/2015. Chính phủ cũng quyết định giảm thuế 5% cho các cơ sở sản xuất tự doanh.
Ngoài ra Chính phủ cũng trợ cấp lương cho các lao động mới được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng đầu tiên. Chính phủ còn có gói 300 triệu AUD cho Chiến lược tạo việc làm cho thanh niên để giúp đối tượng này tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn.
Hội chợ Perth Royal Show
Perth Royal Show là hội chợ nông nghiệp lớn và lâu đời nhất ở Tây Úc với lịch sử tới hơn 100 năm. Hội chợ diễn ra trong khoảng 8 ngày với hàng trăm hoạt động khác nhau, thu hút một lượng lớn khách kinh doanh và du lịch tham gia.
Với đặc trưng là hội chợ nông nghiệp, các triển lãm và hoạt động của Perth Royal Show chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp của Úc, từ nuôi cừu, sản xuất len, triển lãm các giống bò sữa, bò thịt, triển lãm các giống cây, các sản phẩm nông nghiệp, v.v ...
Không chỉ là một hội chợ nông nghiệp với nhiều hoạt động dành cho mọi lứa tuổi, hội chợ Perth Royal Show còn là nơi thu hút khách tham quan du lịch bởi rất nhiều những cuộc thi thú vị, độc đáo, như thi hoa hậu bò sữa, thi huấn luyện chó, thi cưỡi ngựa nhảy rào, thi cừu đẹp hay thi đốn củi, v.v... Mỗi ngày, Perth Royal Show sẽ kết thúc bằng màn bắn pháo hoa ngoạn mục.
Bên cạnh các hoạt động quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Úc, mỗi năm Hội chợ Perth Royal Show còn có một nước khách mời tham gia. Nước khách mời sẽ có 1 khu vực triển lãm riêng để quảng bá du lịch, sản phẩm của nước mình. Năm 2014, Ấn Độ là nước khách mời. Các nước khách mời trước đó là Trung Quốc, Đức, Tuscany, Malaysia, Nhật Bản và Indonesia.
Do hội chợ thu hút một lượng lớn khách du lịch từ khắp mọi miền nước Úc về tham dự nên việc tham gia các hoạt động tại hội chợ với tư cách nước khách mời là một hình thức quảng bá văn hoá, du lịch và các sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Theo thống kê năm 2013, hội chợ đã thu hút 451.000 du khách, trong đó 35% lượng khách đến tham quan gian hàng quốc gia khách mời.
Chi tiết Bản tin xem tại đây: //dl.dropboxusercontent.com/u/5541112/newsletter/1506v/newsletter.html