Bản tin Thị trường Thái Lan tháng 4/2018
Một nửa lượng gạo Cam-pu-chia xuất khẩu qua kênh tiểu ngạch sang Việt Nam và Thái Lan
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) dự báo tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Cam-pu-chia đạt 1,35 triệu tấn trong năm naytrong số này, chỉ 750.000 tấn xuất khẩu chính ngạch; 600.000 tấn còn lại xuất khẩu qua các kênh tiểu ngạch đến những quốc gia láng giềng như Việt Nam hay Thái Lan.
Xuất khẩu qua các kênh tiểu ngạch là vấn đề nổi cộm của Cam-pu-chia từ nhiều năm nay. Năm ngoái, ngoài 635.700 tấn gạo xuất khẩu chính ngạch, khoảng 650.000 tấn xuất khẩu qua các kênh tiểu ngạch. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ sản lượng gạo thu hoạch quá lớn, vượt quá năng suất cho phép của các đơn vị xay xát trong nước, ngân sách hỗ trợ và khối lượng dự trữ. Vì vậy, người nông dân buộc phải bán cho các thương lái biên giới qua các kênh tiểu ngạch. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nếu Chính phủ có các biện pháp quản lý và xử lý mạnh tay, người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Vấn đề quan ngại hàng đầu hiện nay là việc gạo của các nước láng giềng, ví dụ Việt Nam, có thể được đưa qua kênh tiểu ngạch vào Cam-pu-chia, dãn nhãn và xuất khẩu. Điều này vi phạm các quy định thương mại quốc tế và trì hoãn ưu đãi tiếp cận thị trường của Cam-pu-chia vào thị trường EU. Trước đó, Italy và 06 quốc gia khác đã đệ đơn lên Ủy ban Châu Âu yêu cầu rút lại ”điều khoản phòng vệ” nhằm giới hạn khối lượng gạo Cam-pu-chia nhập khẩu vào khu vực EU.
Tình hình xuất khẩu gạo Thái Lan
Chủ tịch hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo Thái Lan 2 tháng đầu 2018 tăng 10% về lượng so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,91 triệu tấn và 30,32 tỷ Bạt về giá trị. Tuy nhiên, so với tháng 1 thì xuất khẩu gạo Thái Lan tháng 2 đã giảm 1,2% về khối lượng và 3,1% về giá trị do xuất khẩu gạo thơm hoa nhài và gạo đồ giảm.
Đơn hàng cho hai loại gạo trên đang giảm do đồng Bạt Thái mạnh lên so với đồng đô la Mỹ và vụ mùa tốt hơn của các nước Đông Nam Á khiến nguồn cung gạo tăng. Một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua gạo Campuchia và Việt Nam.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 850 nghìn tấn gạo trong tháng 3. Hai thị trường tiêu thụ chính là châu Á và châu phi sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng tốt, nhất là tại các nước: cộng hòa Bê nanh, Indonesia, Malaysia và Mozambique.
Thái Lan phản đối Trung Quốc đăng ký thương hiệu sầu riêng
Cục sở hữu trí tuệ Thái Lan đã chính thức phản đối Trung Quốc về việc công ty Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu của loại sầu riêng nổi tiếng Thái Lan “Monthong” bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Thư phản đối đã được chuyển tới Văn phòng nhãn hiệu thương mại Trung Quốc vào ngày 26/3 để bày tỏ quan ngại. Cục trưởng DIP Thosapone Dansuputra cho biết Monthong là loại sầu riêng nổi tiếng thế giới của Thái Lan và không thể bị đăng ký ở Trung Quốc.
Động thái này nhằm bảo vệ xuất khẩu trái cây của Thái Lan sau khi Trung Quốc sử dụng thương hiệu sầu riêng này. Khi các công ty Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu, các doanh nghiệp Thái Lan muốn xuất khẩu các sản phẩm sầu riêng, kể cả sầu riêng sấy khô tại Trung Quốc dưới nhãn hiệu này đều sẽ bị phạm luật. Ông cho biết, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang theo dõi các nhà kinh doanh Trung Quốc có rút đơn xin đăng ký thương hiệu không, hoặc đăng ký đã chính thức được cấp phép hay chưa. Theo đó Thái Lan sẽ đề nghị cơ quan chức năng Trung Quốc dừng cấp phép đăng ký thương hiệu trên.
Chi tiết Bản tin, xem tại đây.