Bản tin Nông nghiệp, Công nghiệp, Chính sách, Thương mại và Đầu tư tại Thái Lan
A/ Tin nông nghiệp
1. Bộ Thương mại Thái Lan cân nhắc thời điểm đưa gạo ra thị trường
Bộ Thương mại Thái Lan đang xem xét đàm phán với Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) về việc đưa ra thị trường khoảng 900.000 tấn gạo hom mali trong khuôn khổ chương trình khuyến khích người nông dân lùi thời điểm đưa gạo ra thị trường. Thời điểm đưa ra thị trường đang được cân nhắc nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu đến giá gạo cao cấp.
BAAC đã dành hơn 80 tỉ Bạt đối với các khoản vay và hỗ trợ người nông dân nhằm lùi thời điểm đưa gạo thuộc vụ mùa 2017-18 ra thị trường Trong số này, 21 tỉ Bạt để lùi thời điểm bán gạo; 3 tỉ Bạt dành cho người nông dân; 12,5 tỉ Bạt để mua gạo từ các doanh nghiệp nhằm tăng giá trị; 47,3 tỉ Bạt dành cho người nông dân cam kết tham gia chương trình. Mục tiêu của chương trình nhằm lùi thời điểm bán 2 triệu tấn gạo ra thị trường.
Hạn mức vay được quy định dựa trên giá gạo trung bình trong vòng 03 năm qua - 10.800 Bạt/tấn đối với gạo hom mali và gạo nếp, 7.200 tấn đối với gạo trắng, 8.500 tấn đối với gạo hương Pathum Thani. Người nông dân bán lẻ được vay tối đa 300.000 Bạt. Trong khi đó, các hợp tác xã, nhóm nông dân và doanh nghiệp cộng đồng được vay tương ứng tối đa 300 triệu, 20 triệu và 5 triệu Bạt. Tổng giá trị lãi suất cho vay dự kiến khoảng 453 triệu Bạt.
B/ Tin công nghiệp
2. Các nhà sản xuất thép Thái Lan quan ngại với quyết định áp thuế của Trump
Các nhà sản xuất thép của Thái Lan đang kiến nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành công nghiệp thép nước này. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ tạo điều kiện để một lượng lớn thép từ Trung Quốc xuất khẩu sang nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan.
Về tác động, theo đánh giá trực tiếp, Thái Lan sẽ mất cơ hội xuất khẩu thép vào Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hàng năm của Thái Lan hiện ở mức 10 tỉ Bạt. Đối với mặt hàng thép dây, mặc dù chưa trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ do Thái Lan không xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ. Tuy nhiên, việc tăng cường xuất khẩu từ các quốc gia khác cũng sẽ khiến xảy ra tình trạng phá giá tại nội địa. Thái Lan nhập khẩu khoảng 750.000 tấn thép dây từ Trung Quốc trong năm 2017, giảm so với mức 1,2 triệu tấn tại thời điểm 1 năm trước đó. Mặc dù, số lượng nhập khẩu giảm, tuy nhiên, 750.000 tấn thép nhập khẩu hiện nay vẫn sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nội địa.
Tại thời điểm hiện nay, Thái Lan sản xuất trên 50% công suất, vì vậy, nếu một trong những nhà sản xuất thép phá giá sẽ khiến thị trường nội địa sụp đổ.
3. Doanh nghiệp Thái Lan quan tâm tiềm năng đầu tư tại Bình Dương
Ngày 21/03 vừa qua, Hội thảo thu hút đầu tư "Việt Nam - Điểm đến của hoạt động kinh doanh tại khu vực ASEAN" do Tổng Công ty Becamex và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Thái Lan.
Những nội dung được doanh nghiệp Thái Lan quan tâm bao gồm (i) tiềm năng kinh tế của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung; (ii) Quy trình thủ tucj pháp lý, chính sách ưu đãi của Việt Nam và tỉnh Bình Dương đối với đầu tư nước ngoài; (iii) tìm kiếm, kết nối với nhiều đối tác kinh doanh tiềm năng của Việt Nam.
Hiện nay, trong phạm vi tỉnh Bình Dương, khoảng 18 doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư vào khu công nghiệp của tỉnh với tổng số vốn trên 600 triệu USD. Trong số đó, có nhiều tập đoàn lớn như SCG, CP, TCC hay Srithai. Những doanh nghiệp này hiện đang hoạt động tại các khu công nghiệp của tỉnh.
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Tham tán Thương mại Trần Thị Thanh Mỹ đã đến phát biểu, chia sẻ bức tranh toàn diện của nền kinh tế, tiềm năng đầu tư tại Việt Nam và tỉnh Bình Dương.
C/ Tin Chính sách, Thương mại, Đầu tư
4. Cục Thuế Thái Lan thí điểm dịch vụ hoàn thuế trong thành phố
Cục Thuế Thái Lan sẽ triển khai thí điểm dịch vụ hoàn thuế VAT cho khách du lịch quốc tế trong thành phố. Trong giai đoạn đầu của chương trình, 05 địa điểm thuộc Trung tâm mua sắm Central sẽ thực hiện thí điểm. Chương trình sẽ tiếp tục mở rộng tới nhiều địa điểm mua sắm khác thời gian tới.
Tính từ đầu năm, khách du lịch quốc tế tới Thái Lan tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 7,11 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 384 tỉ Bạt. Chỉ riêng tháng 02/2018, lượt khách du lịch đã đạt 3,56 triệu lượt tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất với 9,8 triệu lượt khách trong năm 2017, tương đương 28%. Dự báo trong năm nay, Thái Lan sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách Trung Quốc và 12 triệu lượt khách trong năm 2019.
Hiện Thái Lan áp dụng thuế VAT ở mức 7%. Trong số này, Chính phủ Thái Lan sẽ hoàn thuế 5% cho du khách quốc tế và 2% sẽ được giữ lại để chi trả các chi phí hoàn thuế liên quan.
5. Xuất khẩu Thái Lan tăng trưởng tháng 02/2018 giữa tình hình tỉ giá ngoại tệ bất lợi
Xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng 10,3% trong tháng 02/2018 so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng trưởng 17,6% trong tháng 01/2018. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 02/2018 đạt mức 20,36 tỉ USD. Đây là tháng 12 tăng trưởng liên tiếp, chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu của các bạn hàng truyền thống.
Nhóm mặt hàng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao bao gồm ô-tô, phụ tùng, máy tính và linh kiện, sản phẩm cao su, hạt nhựa, đá quý và nữ trang, hóa học, xăng dầu thành phẩm, máy móc và phụ tùng, linh kiện điện tử, sản phẩm nông nghiệp. Nhóm thị trường xuất khẩu dẫn đầu bao gồm Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Á, Úc. Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam.
Trong khi đó, về nhập khẩu, trong tháng 02/2018, Thái Lan ghi nhận tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 19,6 tỉ USD, góp phần giúp thặng dư thương mại của Thái Lan ở mức 808 triệu USD. Tính từ đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 39,8 tỉ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2017.
6. Chính phủ Thái Lan xem xét tham gia Hiệp định CPTPP
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak nhận định Thái Lan nên cân nhắc tham dự Hiệp định CPTPP nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại tiềm năng. Nếu Thái Lan không tham dự CPTPP, cơ hội sẽ thuộc về các nước đối thủ, đặc biệt là Việt Nam. Bộ Thương mại Thái Lan được giao tiến hành những báo cáo nghiên cứu thuận lợi và khó khăn của Thái Lan khi tham gia CPTPP.
Trong một diễn biến khác, Thái Lan đang nỗ lực sớm kết thúc đàm phán cùng các quốc gia thành viên Hiệp định RCEP đã được khởi xướng từ tháng 11/2012. Hiện kim ngạch thương mại của các quốc gia thành viên RCEP chiếm 29% kim ngạch thương mại toàn cầu; tổng dân số vào khoảng 3,35 tỉ người. Dự kiến, việc tham gia RCEP sẽ giúp GDP của Thái Lan tăng trưởng 4,03%. Nhóm mặt hàng rau, quả, thực phẩm và đồ gia dụng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
7. Trung Quốc cấp phép nhập khẩu gà từ Thái Lan
Vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên cấp phép nhập khẩu gà từ Thái Lan. Doanh thu dự kiến đạt 7 tỉ Bạt/năm. Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại về khả năng ảnh hưởng xấu đến thị trường giá nội địa.
Trước đó, Cơ quan quản lý chứng nhận và công nhận của Trung Quốc đã cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho 07 nhà máy tại Thái Lan. Đây là kết quả của cuộc khảo sát 19 cơ sở tại Thái Lan. Nếu tất cả đều được cấp phép, doanh thu có thể đạt 20 tỉ Bạt.
Lô hàng xuất khẩu gà đầu tiên của Thái Lan tới Trung Quốc sẽ được tiến hành vào cuối tháng 03/2018 với khối lượng 15 containers trị giá 30 triệu Bạt. Thị trường tiêu thụ chủ yếu sản phẩm gà của Thái Lan tại miền Nam, Trung Quốc.
8. Tổng cục Du lịch Thái Lan xây dựng kế hoạch thu hút khách du lịch
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang lên kế hoạch tăng cường thu hút khách du lịch từ Châu Á, Nam Á, đặc biệt là khách du lịch chất lượng cao từ Trung Quốc. Giữa thời điểm 26-30/03, đoàn công tác TAT sẽ đến các thành phố cấp 2 của Trung Quốc như Jinan, Shijiazhuang, Zhengzhou và Wuhan.
TAT sẽ đưa 50 công ty lữ hành là thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Lữ hành Thái Lan (ATTA) để gặp 30-40 công ty lữ hành tại Trung Quốc nhằm giúp tăng lượng khách du lịch từ nước này, đặc biệt tại các tỉnh thành thứ hai và khu vực cao cấp. Trong 02 tháng đầu năm 2018, Thái Lan đón 2,2 triệu lượt khách Trung Quốc.
Kế hoạch của TAT và ATTA không chỉ khuyến khích những du khách du lịch một mình và khách gia đình mà còn tập trung đẩy mạnh nhóm khách cao cấp. TAT đã làm việc với 20 doanh nghiệp điều hành tour tại Thái Lan trong tháng 02/2018. Tiêu chí đánh giá, phân loại nhóm khách của TAT gồm (i) nhóm cao cấp với thu nhập bình quân trên 60.000 USD/năm; (ii) nhóm trung cấp với thu nhập bình quân từ 20.000 đến 60.000 USD/năm; (iii) nhóm thấp với thu nhập dưới 20.000 USD/năm.
Vừa qua, Công ty đường sắt Thái Lan (SRT) đã khai trương tuyến đường sắt Bangkok - Pattaya với tần suất 02 tuần/chuyến vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Tàu sẽ rời Bangkok đi Pattaya vào buổi sáng và quay về vào buổi tối cùng ngày. Thời gian triển khai áp dụng đến hết ngày 30/09/2018. Giá vé khoảng 170 Bạt/chiều và yêu cầu đặt trước qua điện thoại.