Nhiều nước châu Âu tiếp tục tiết kiệm năng lượng
Theo cổng thông tin České noviny, các nghị sĩ Czech sẽ bắt đầu tiết kiệm tài nguyên năng lượng - biện pháp này đã ảnh hưởng đến tòa nhà quốc hội.
Bỉ bắt đầu tiết kiệm ánh sáng trên đường cao tốc. Ảnh: Global Look Press. |
Theo đó, thời gian sưởi sẽ giảm 2 giờ, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhiệt độ trong các phòng sẽ giảm từ 23 đến 20 độ C và ở các hành lang sẽ giảm xuống 15 độ C. “Tôi thực sự tin rằng nhà nước nên làm gương trong vấn đề này. Chúng ta có thể tiết kiệm năng lượng, cho dù đó là sưởi ấm hay điện chiếu sáng. Có nhiều lựa chọn. Tất nhiên, ý tôi không chỉ là loại nghiên cứu này, mà chúng ta còn cần phải suy nghĩ về việc chúng ta đã cách nhiệt cho tòa nhà đủ hay chưa, liệu nhiệt có thoát ra đâu đó hay không. Tôi không muốn tìm hiểu xem các bộ, ban ngành sẽ làm gì bây giờ, nhưng nhiệm vụ của tôi rất rõ ràng - chúng tôi sẽ làm gương”, Thủ tướng Czech Petr Fiala nói.
Bỉ bắt đầu tiết kiệm ánh sáng trên đường cao tốc
Nhà chức trách vùng Wallonie của Bỉ mới đây đã bắt đầu tắt đèn trên các tuyến đường cao tốc sau 22h. Điều này được thực hiện nhằm giảm tiêu thụ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở các nước châu Âu.
“Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, biện pháp này một mặt nhằm giảm tiêu thụ điện ở vùng Wallonie và mặt khác, nó sẽ giảm chi phí của khu vực công cho điện năng”, nhà chức trách vùng này cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, các nhà chức trách đã hứa sẽ tiếp tục chiếu sáng trên các đoạn đường cao tốc nguy hiểm, đặc biệt là tại các kỳ đại hội. Khoản tiết kiệm sẽ là khoảng 400.000 Euro mỗi năm.
Hơn 300 trường học ở Hamburg (Đức) có nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng
Theo Izvestia, các nhà chức trách của Hamburg đang xem xét tất cả các phương án để giảm hơn nữa mức tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà của 376 trường công lập.
Hơn 300 trường học ở Hamburg (Đức) có nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Global Look Press. |
“Các bài học không nên bị gián đoạn và không có đứa trẻ nào bị lạnh. Trước hết, hệ thống sưởi đang được kiểm tra và điều chỉnh. Ngoài ra, chúng tôi đang mở rộng các khái niệm tiết kiệm năng lượng hiện có ở một số trường học được chọn. Ví dụ, dự án Energiehoch4 đang được tăng cường, theo đó các trường học sẽ được trao tài trợ nếu họ tiết kiệm năng lượng hợp lý”, các nhà chức trách của Hamburg chia sẻ.
Các nhà chức trách của Hamburg lưu ý rằng, trong 11 năm qua, thành phố này đã tích cực phân bổ quỹ cho việc tái thiết các tòa nhà trường học - trung bình khoảng 400 triệu euro mỗi năm, nhờ đó giảm tiêu thụ năng lượng.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách giải thích, các trường học đang dần được trang bị năng lượng mặt trời và mái nhà xanh, cũng như hệ thống kiểm soát hệ thống sưởi tự động để tối ưu hóa mức tiêu thụ.
“Đến cuối năm 2022, 101 trường học sẽ có mái xanh với diện tích 84 nghìn m2. Ngày nay, các trường học ở Hamburg được lợp bằng mái năng lượng mặt trời với diện tích gần 20 nghìn m2”, Izvestia dẫn lời các quan chức cho hay.
Từ ngày 1/9, nhiệt độ ở các cơ sở công cộng ở Đức không thể vượt quá 19 độ C. Các trường học và nhà trẻ được miễn yêu cầu này, tuy nhiên, chính quyền khu vực đang thực hiện các sáng kiến tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở giáo dục.
Trước đó, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Pháp CRE, Emmanuelle Wargon, nói với đài France Info hôm 19/9 rằng, các hộ gia đình ở Pháp có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông, trong trường hợp băng giá nghiêm trọng. "Trong mọi trường hợp sẽ không xảy ra tình trạng ngắt khí đốt. Nhưng về điện, chúng tôi có thể phải đưa ra quyết định khó khăn về việc cắt điện một phần. Việc này có thể kéo dài trong vài giờ và cục bộ ở cấp xã hoặc cấp huyện. Việc cắt điện sẽ được thông báo trước cho người dân".
Cơ quan này cũng lưu ý rằng việc cắt điện sẽ không được thực hiện tại các cơ sở quan trọng, bao gồm bệnh viện. Bên cạnh đó, nếu mùa đông không quá lạnh, các biện pháp tiếp kiệm năng lượng sẽ không quá khắc nghiệt.