Tăng kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
Kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước, cùng với đó là đảm bảo thành công hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu
Những năm qua, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Đặc biệt, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản.
Đáng lưu ý, trong vài năm trở lại đây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tạo điều kiện thiết thực cho các doanh nghiệp 2 nước trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất phát triển kinh doanh.
Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển CNHT, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí. Với ngành công nghiệp cơ khí, điển hình là công nghiệp sản xuất xe máy, sản lượng tuy có giảm trong năm vừa qua, đạt 2,5 triệu xe/năm. Đây là ngành có sản lượng tốt nhất, tỷ lệ nội địa hoá cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam đã ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như điện, điện tử, cao su, nhựa.
Tại hội thảo “Xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, CNHT - Kinh nghiệm và giải pháp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn Thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng như ô tô, xe máy, cơ khi chế tạo, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên. Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, dù năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ, CNHT nước ta hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực, quá trình này đòi hỏi cần phải có những định hướng, cơ chế chỉnh sách, giải pháp đúng và đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Kết nối doanh nghiệp, tăng năng lực
Chủ tịch Công ty Hanel PT Trần Thu Trang chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi đã có 23 năm thành lập và phát triển. Nếu như những ngày đầu, chúng tôi cảm thấy rất đơn độc khi lựa chọn CNHT thì nay, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông đảo, chất lượng và chuyên nghiệp hơn”.
Ông Noboru Kinoshita, Cố vấn quốc tế của Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT của Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Số doanh nghiệp cần tư vấn đầu tư vào Việt Nam gửi đến Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản tăng dần hằng năm, chủ yếu là đầu tư vào các lĩnh vực sửa chữa máy tính, bảo trì mạng và áp dụng dịch vụ IT sản xuất…
Tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực cho nên quá trình này đòi hỏi những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh sự hỗ trợ về thị trường, quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đại diện Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi cũng chia sẻ, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam còn lo lắng trong việc hệ thống thuế chưa rõ ràng, nhiều quy định, chính sách còn chưa cụ thể, trong đó có cơ chế ưu đãi với FDI... Bên cạnh đó, họ lo lắng về đối thủ cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu và linh kiện tại Việt Nam còn thiếu…
Theo báo cáo của Jetro, tỷ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt. Tiếp đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hóa cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Trương Thị Chí Bình cho biết, hiệp hội đã tập trung tìm kiếm giải pháp tiến lên trong chuỗi cung ứng bằng cách hình thành nhóm doanh nghiệp và nhóm lĩnh vực để tập trung gia tăng số lượng và chất lượng sản xuất.
"Hiệp hội cũng bắt đầu hình thành nhóm doanh nghiệp để có thể sản xuất cụm linh kiện, tuy chưa đi vào thực hiện nhưng hy vọng sẽ tạo ra được điển hình đầu tiên và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của Nhật Bản và toàn cầu"- bà Trương Thị Chí Bình tin tưởng.
Thị trường CNHT của Việt Nam có giá trị hàng trăm tỉ USD, kết nối các doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam và Nhật Bản sẽ là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước, cùng với đó là đảm bảo thành công hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.