Làn sóng đưa sản xuất “hồi hương” của Hàn Quốc
Các công ty “hồi hương” đại diện cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau - từ điện tử, đồ trang sức đến ô tô - và hầu hết các công ty này đều dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của các chuỗi giá trị xuyên biên giới. Vốn được coi là xương sống của toàn cầu hóa, giờ đây các chuỗi giá trị gắn liền với nguy cơ dễ bị gián đoạn. Tuy vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chuỗi giá trị đang được tái cấu trúc lại và tập trung vào khả năng phục hồi kinh tế. Hàn Quốc đã thực hiện các bước khuyến khích doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất “hồi hương”. Trong thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách, bao gồm, các lợi ích về thuế, trợ cấp và giảm giá đất - để khuyến khích việc hồi hương sản xuất.
Năm 2019, Hàn Quốc đã tiếp tục điều chỉnh “Đạo luật quay đầu” để áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp hơn, bao gồm cả các công ty hoạt động trong các lĩnh vực tri thức và thông tin. Những chính sách này, kết hợp với các yếu tố bên ngoài, đã góp phần vào sự gia tăng ổn định số lượng các công ty Hàn Quốc hồi hương, từ 9 công ty vào năm 2018 lên 16 vào năm 2019 và 21 vào năm 2020.
Các công ty “hồi hương” đại diện cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau - từ điện tử, đồ trang sức đến ô tô - và hầu hết các công ty này đều dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Việc số hóa sản xuất là một nhân tố khác thúc đẩy sự gia tăng hồi hương sản xuất. Ngày càng nhiều công ty nhận thấy rằng, việc xây dựng các “nhà máy thông minh” được số hóa ở mức độ cao ở chính nước họ và đóng cửa các dây chuyền sản xuất cũ ở Trung Quốc là rất hợp lý.
Ví dụ, công ty may mặc G&G Enterprise của Hàn Quốc đã xây dựng một nhà máy thông minh mới, hoàn toàn tự động ở phía Tây Nam ở nước này, giúp công ty có khả năng cạnh tranh về giá và linh hoạt hơn trong đa dạng hóa sản phẩm - ngay cả trong lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động. Đối với các công ty phải đối mặt với những thách thức của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một cơ chế hợp tác công-tư đặc biệt để giúp các doanh nghiệp tiếp cận và xây dựng các nhà máy thông minh. Tăng cường số hóa dường như cũng là một cách hiệu quả để đối phó với thách thức của sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ví dụ, Hyundai Motors trước đây đã thuê ngoài toàn bộ hoạt động sản xuất dây dẫn điện của mình tại Trung Quốc, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến việc sản xuất sản phẩm đơn giản nhưng sử dụng nhiều lao động này phải đóng cửa. Nhờ chương trình chuyển đổi kỹ thuật số của Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai đang hồi hương dây chuyền sản xuất dây dẫn điện của công ty này.
Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã được hưởng lợi khi một số doanh nghiệp đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc. Nhờ việc di dời và hồi hương sản xuất, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất từ trước đến nay, vào năm 2019.
Trong khi tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã làm giảm các dòng vốn đầu tư đó vào năm 2020, mối quan tâm đối với khu vực vẫn còn tương đối mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai ở các nước ASEAN và khả năng đóng góp của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu, phụ thuộc vào mức độ thành công của họ trong việc thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển địa điểm hoặc hồi hương hoạt động sản xuất, đặc biệt là từ Trung Quốc.