Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Những dấu ấn tăng trưởng của ngành Công Thương
Nhiều số liệu tăng trưởng mới mang dấu ấn của ngành Công Thương được nêu trong báo cáo bổ sung về kinh tế xã hội của Chính phủ tại kỳ họp.
Trong đó nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD (đã báo cáo là 368 tỷ USD); xuất siêu đạt trên 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 1 tỷ USD), GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%).
Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
4 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới mặc dù GDP tăng trưởng thấp so với cùng kỳ nhiều năm song xuất siêu vẫn đạt mức 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XV |
Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%.
cũng đánh giá nhiều dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn; đang tích cực triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém; 3 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Liên quan đến lĩnh vực của ngành Công Thương, báo cáo cho biết, sẽ tập trung phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tiếp tục đầu tư cho 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu; tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các mới (trong đó Hiệp định FTA với Israel dự kiến ký kết trong tháng 6/2023).
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án công nghiệp trọng điểm, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ động phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.
Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đây cũng là các giải pháp được đúc kết từ thực tiễn quản lý điều hành của ngành Công Thương thời gian qua và vẫn đang được ngành Công Thương thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm chủ động, quyết liệt nhằm thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tăng của năm 2023.