Chính sách phát triển công nghiệp của một số quốc gia
Nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật riêng về phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...
Sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của khu vực sản xuất. Hầu hết các quốc gia thành công trong phát triển công nghiệp, thoát bẫy thu nhập trung bình đều nhờ vào việc: Xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất, đủ mạnh, làm cơ sở để triển khai chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật riêng về phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo...
Một số kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia:
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Nhật Bản
- Thời kỳ tái thiết sau chiến tranh (1946 – 1948)
Kế hoạch Marshall do Mỹ đưa ra nhằm mục tiêu hỗ trợ quá trình tái thiết Nhật Bản và Châu Âu sau chiến tranh. Chính phủ Nhật Bản trong thời kỳ đầu là tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp như điện, sắt thép và đóng tầu. Chính phủ Nhật Bản còn quản lý chặt chẽ phân bổ các chỉ tiêu nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu, kiểm soát về giá cả áp dụng cho các khu vực ưu tiên.
Giai đoạn bình ổn Dodge (1949-1960) Trong giai đoạn này, Nhật Bản theo đuổi chiến lược hướng về xuất khẩu. Để khuyến khích xuất khẩu, Nhật Bản đã có chính sách tài trợ ưu đãi, trợ cấp ưu tiên cho xuất khẩu. Điểm chú ý trong giai đoạn này là chính sách tỷ giá yếu và cố định 360 yên = 1 USD của Dodge và quản lý ngoại hối chặt chẽ. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhất của Nhật Bản trung bình 10,5% liên tục trong 12 năm, tốc độ phát triển công nghiệp hàng năm từ 13,5% đến 15,9%. Một số ngành công nghiệp then chốt đã tăng mạnh với nhịp độ rất nhanh. Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu tầu biển, đồ điện tử, xe máy, ôtô...
- Thời kỳ tăng trưởng ổn định (1960-1970)
Trong thời kỳ này, Nhật Bản chủ trương phát triển một nền kinh tế mở, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực sản xuất. Nhà nước thực hiện phát triển kinh tế ngành, đưa ra các giải pháp đặc biệt cho công nghiệp máy móc và công nghiệp điện tử.Tự do hoá kinh tế trong giai đoạn này đã làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Nhật Bản. Nhật Bản hướng về xuất khẩu thiết bị máy móc, ngân hàng phát triển Nhật Bản tiếp tục cho vay với lãi suất thấp
Giai đoạn này chiến lược phát triển của Nhật Bản là hướng tới một nền kinh tế tri thức. Trong điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, Nhật Bản ưu tiên những ngành có hàm lượng trí tuệ cao, sử dụng ít nguyên vật liệu, nhiên liệu và lao động sống như: sản xuất máy tính điện tử, máy bay, rôbốt công nghiệp, mạch tổ hợp, vật liệu compozit, thiết bị thuỷ điện…, thiết bị liên lạc, thiết bị học tập, thiết bị tự động hoá, thiết bị công nghiệp đồng bộ, dịch vụ thu thập, xử lý và tryền thông.
- Từ năm 1986 - nay, công suất trong nước được cắt giảm mạnh có hệ thống ở nhiều ngành công nghiệp không còn sức cạnh tranh quốc tế, như công nghiệp than, hoá dầu, phân bón, dệt, giấy, luyện nhôm, kim loại, khoáng chất, sắt, đóng tầu và một vài ngành khác. Chính phủ Nhật Bản đã hướng các công ty mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới như: vật liệu mới, thông tin, máy tính, kỹ thuật điện tử, bán dẫn.
Thời kỳ 1987 – 1990 là “thời kỳ bình lặng”, nền kinh tế có mức tăng trưởng đạt 5%, nhưng đồng thời đầu tư cho thiết bị lại rất cao, lên tới 12% tạo nên sự mất cân đối trong nền kinh tế. Trong bối cảnh của cách mạng khoa học – kỹ thuật mới, việc coi nhẹ nghiên cứu cơ bản, chú ý nhiều đến nghiên cứu ứng dụng đã dẫn đến hậu quả là Nhật Bản mất dần ưu thế trong lĩnh vực kỹ thuật cao tại các ngành mũi nhọn.
Hiện nay, trong bối cảnh CMCN 4.0, Chính phủ Nhật Bản đã từng bước ban hành và triển khai các chính sách để thúc đẩy CMCN 4.0. Năm 2013, “Chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” đã được Nhật Bản đưa ra, trong đó tập trung thúc đẩy thông minh hóa, hệ thống hóa và toàn cầu hóa. Cùng với đó, các công nghệ trọng tâm cũng được ưu tiên phát triển trong Chiến lược là công nghệ số, công nghệ nano và công nghệ môi trường.
Đặc biệt, việc phổ biến và phát triển công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) và CMCN 4.0 đã được Nhật Bản đẩy mạnh. Tháng 4/2014, Bộ phận Hệ thống sản xuất của Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Nhật Bản (JSME-MSD) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cùng hợp tác thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với nhau, xây dựng mô hình kết nối chung, kết quả là tổ chức “Sáng kiến Chuỗi giá trị ngành công nghiệp” (IVI) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/2015. Tháng 01/2016, “Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5 giai đoạn 2016 – 2020” được công bố, trong đó đề xuất xây dựng một xã hội siêu thông minh hay còn gọi là “Xã hội 5.0”. Mục tiêu chính của “Xã hội 5.0” là giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số. Đây là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Hàn Quốc
Vào thập niên 1960, Chính quyền quân sự của Tổng thống Park Chung Hee đã ban hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo. Hàn Quốc bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Nhật Bản, sau đó áp dụng một loạt biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng xuất khẩu. Những biện pháp này bao gồm các khoản bồi hoàn hao hụt cho các yếu tố đầu vào (như sợi cotton trong ngành dệt may). Vì thị trường nội địa vẫn được bảo hộ cao (bằng cả thuế quan cao và các biện pháp hạn chế định lượng và kiểm soát ngoại hối chặt chẽ), nên giá cả và lợi nhuận đều cao. Về thực chất, xuất khẩu trong giai đoạn này được trợ cấp bằng lợi nhuận từ thị trường nội địa. Thêm vào đó, Tổng thống Park Chung Hee họp định kỳ hàng tháng với lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp công nghiệp, qua đó các nhà lãnh đạo này báo cáo những cố gắng của họ để đáp ứng các chỉ tiêu xuất khẩu mà tự họ đề ra. Để đáp lại việc doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, Tổng thống và Chính phủ phải giải quyết câu hỏi là có thể giúp đỡ doanh nghiệp nhiều hơn nữa hay không, hoặc cần phải rà soát và dỡ bỏ ngay những trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp do chính bộ máy quan liêu của Chính phủ tạo ra.
Chính sách công nghiệp quốc gia của Hàn Quốc đã thay đổi đáng kể vào thập niên 1970 với việc bắt đầu một nỗ lực dưới sự chỉ đạo của chính phủ để đẩy mạnh công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. Trong thời kỳ này, Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên cho các ngành cụ thể áp dụng với cả những doanh nghiệp hay các chaebol (tập đoàn lớn). Văn phòng Tổng thống (Blue House hay Nhà Xanh) soạn thảo một kế hoạch để hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng, quy mô sản xuất của từng ngành (nói chung, quy mô sản xuất được ấn định đủ lớn để doanh nghiệp không thể chỉ sản xuất cho thị trường nội địa mà phải có khả năng xuất khẩu). Đối với những doanh nghiệp tư nhân đồng ý thực hiện kế hoạch của chính phủ, sẽ có các khoản vay lãi suất thấp cung ứng cơ sở hạ tầng, và các ưu đại khác. Kết quả là, hầu hết các ngành công nghiệp ưu tiên đã có lợi nhuận tốt và nhiều doanh nghiệp thật sự đã trở thành những nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm công nghiệp nặng.
Vào thập niên 1980 đến nay, Hàn Quốc từ bỏ chính sách “can thiệp trực tiếp” của Chính phủ vào phát triển công nghiệp để chuyển sang chính sách kinh tế tự do. Tư duy thay đổi này được củng cố bởi mong muốn của Hàn Quốc trở thành một thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Hàn Quốc đã tự do hóa cả thương mại và tài chính, tiến hành nhiều cải cách chính sách quan trọng đối với khu vực tài chính, công nghiệp, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và thị trường lao động, giúp tự do hóa nền kinh tế hơn nữa.
Cải cách khu vực công nghiệp tập trung vào việc cải tổ các Chaebol bằng các biện pháp buộc các Chaebol thực hiện các biện pháp: (i) Tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi và từ bỏ những doanh nghiệp không liên quan đến hoạt động cốt lõi; (ii) Cải thiện hoạt động quản trị công ty và tăng cường trách nhiệm giải trình; (iii) Đệ trình kế hoạch cải thiện cơ cấu vốn (CSIPs) để giảm tỷ số nợ trên vốn sở hữu xuống 200% vào cuối năm 1999; (iv) Củng cố các quy trình kế toán bằng cách nộp các bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập hợp nhất phù hợp với tiêu chuẩn kế toán quốc tế để giảm khả năng che giấu lỗ và nợ ở các chi nhánh hoạt động yếu kém; (v)Tuân thủ luật chống độc quyền và thuế thừa kế để giảm khả năng các gia đình tập đoàn nắm giữ quyền kiểm soát.
Các biện pháp này đã làm thay đổi đáng kể kinh tế - xã hội của Hàn Quốc. Các Chaebol buộc phải định hình lại, các tập đoàn khác trở nên tập trung hơn, cắt giảm chi nhánh, và giảm tỷ số nợ trên vốn sở hữu. Một kết quả quan trọng khác là các Chaebol không còn được tập trung tín dụng như trước đây nữa, mà tín dụng bắt đầu chảy vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các khoản vay tiêu dùng để giúp các khu vực này tăng trưởng.
Tháng 6/2014 Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức đưa ra chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”. Chiến lược này đồng nghĩa với CMCN 4.0 phiên bản Hàn Quốc và là một phần trong sáng kiến hàng đầu của Tổng thống Park Gun-hye về “Kế hoạch kinh tế sáng tạo” trước đó.
Trong khi trọng tâm của "Cải cách công nghiệp 1.0" là sự thay thế nhập khẩu cho ngành công nghiệp nhẹ, " Cải cách công nghiệp 2.0" tập trung vào thiết bị lắp ráp, thì " Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0" sẽ là một sự thay đổi trong tất cả các mô hình đã biết của các công nghệ sản xuất hiện tại. Nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược 3.0 là tạo ra giá trị mới và tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đưa công nghệ thông tin vào các nhà máy, từ đó, nhanh chóng xây dựng hệ thống nhà máy thông minh. Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt được ưu tiên thực hiện là: in 3D, dữ liện lớn, điện toán đám mây, hệ thống thực – ảo, các hệ thống tiết kiệm năng lượng, kỹ thuật ảnh nổi ba chiều, IoT và bộ cảm biến. Theo Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai, mạng lưới internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tạo ra những cơ hội và lợi nhuận thương mại trị giá tới 470 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 41% GDP của Hàn Quốc năm 2015.
Mục tiêu chính của Chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”, gồm:
- Thúc đẩy việc tích hợp sản xuất và công nghệ thông tin (IoT), từ đó tạo ra một ngành công nghiệp mới với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo của Hàn Quốc.
- Xác lập vị thế của Hàn Quốc như một cường quốc về công nghệ thông tin với sự tích hợp của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và nền sản xuất căn bản.
- Đến 2020, xây dựng được 10.000 nhà máy thông minh với tổng vốn đầu tư khoảng 24 nghìn tỷ KRW (khoảng 23 tỷ USD), trong đó hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Hàn Quốc chỉ dưới 10% và phần chính còn lại sẽ thu hút từ nguồn vốn tư nhân.
- Thúc đẩy sự phát triển SMEs thành các doanh nghiệp có tiềm năng lớn, thông qua thông qua việc sử dụng các công nghệ nhà máy thông minh. Mục tiêu này là phản ứng trước áp lực gia tăng đối với nền kinh tế Hàn Quốc do chất lượng sản xuất của Trung Quốc ngày càng được cải thiện.
- Chú trọng nâng cao các ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc bằng "năng lực mềm" thông qua tăng cường thúc đẩy sự tăng trưởng của các lĩnh vực/phân đoạn sản xuất kết hợp với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cốt lõi liên quan đến IoT, in 3D và dữ liệu lớn.
- Mục tiêu đến năm 2024: giá trị sản xuất xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1.000 tỷ USD, nằm trong top 4 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức, vượt qua Nhật Bản.
Để thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược 3.0, tháng 3/2015, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược 3.0”, trong đó xác định rõ bốn chiến lược bộ phận là:
- Lan rộng quá trình sản xuất thông minh như lan rộng mô hình Nhà máy thông minh, phát triển công nghệ cốt lõi (cảm biến, IoT, in 3D, hình ảnh ba chiều,…), tăng cường năng lực các phần mềm (kỹ thuật, thiết kế, Embedded SW, …) cho quản lý sản xuất.
- Tạo ra ngành công nghiệp mới đại diện, bao gồm cả bước đầu ảo hóa các cơ sở vật chất hội tụ cho nhà máy thông minh, thương mại hóa và phát triển vật liệu thông minh và linh kiện, thúc đẩy đầu tư tư nhân, nghiên cứu và phát triển (R&D).
- Đổi mới thông minh trong ngành công nghiệp sản xuất địa phương (kích hoạt của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các Trung tâm Đổi mới Kinh tế Sáng tạo), sử dụng các điểm chiến lược mang tính địa phương để trở thành các khu vực công nghiệp thông minh theo thế mạnh công nghiệp của địa phương.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và tái cơ cấu sản xuất công nghiệp.
Trong công cuộc Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy triển khai thực hiện. Tháng 8/2016, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra lộ trình cho một số lĩnh vực của các dự án R & D: công nghệ thiết kế, công nghệ để phân loại các sản phẩm bị lỗi, các kỹ thuật điều hành tích hợp phần mềm, nền tảng IIoT (Internet Internet), cảm biến thông minh, công nghệ thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu tiêu chuẩn. Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu Tiêu chuẩn Nhà máy Thông minh đã được hình thành trong khu vực tư nhân nhằm đáp ứng hiệu quả các xu hướng hoạt động quốc tế và thực hiện các nỗ lực để chuẩn hóa các quy định phát triển địa phương. Đồng thời, Chính phủ áp dụng các hình thức hỗ trợ khác nhau để đào tạo khoảng 40.000 công nhân có tay nghề về vận hành các cơ sở sản xuất hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động hóa.
Đến trước năm 2020, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 189.3 triệu USD vào 9 dự án R&D quốc gia (trong đó, hỗ trợ từ phía Chính phủ Hàn Quốc chiếm khoảng hơn 70%) để khuyến khích họ tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ cao liên quan tới nhà máy thông minh (Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư hơn 400 tỷ won (khoảng 360 triệu USD; trong đó Chính phủ tích cực huy động sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, chiếm gần 1/3) trong 5 năm 2016-2020 để phát triển công nghệ thực tế ảo mới và thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước hiện đang đi đầu trong lĩnh vực này. Khoản đầu tư trên sẽ được dành ưu tiên cho việc phát triển công nghệ thực tế ảo mới phiên bản Hàn Quốc và một phần sẽ dành hỗ trợ hoạt động phát triển và thương mại hóa các thiết bị thực tế ảo mới có độ phân giải cao hơn có thể khắc phục một số nhược điểm của công nghệ hiện tại). Trong năm 2017, đầu tư 1.000 tỷ KRW cho nghiên cứu in 3D, dữ liệu lớn, internet và các công nghệ sản xuất thông minh khác để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước dẫn đầu về các công nghệ này.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Trung Quốc
Cấu trúc hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia Trung Quốc có sự tương đồng khá lớn với cấu trúc hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia của nước ta. Hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia Trung Quốc bắt đầu từ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển công nghiệp qua các văn kiện Đại hội của Đảng, các nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp của từng khóa, đặc biệt là quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay là quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội lần thứ XIII (2016-2020), trong đó xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp Trung Quốc trong thời gian 5 năm. Quốc vụ viện Trung Quốc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển công nghiệp thành các bộ luật, luật, chiến lược, chính sách cụ thể.
Giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1991, trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi, để phù hợp với xu hướng toàn cầu hoá, Trung Quốc đã thực hiện những cải cách kinh tế, trong đó có cải cách phát triển lĩnh vực công nghiệp. Trong giai đoạn này, chính sách công nghiệp của Trung Quốc chú trọng vào phát triển công nghiệp nhẹ, coi phát triển công nghiệp nhẹ là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển là những ngành sợi, dệt may, điện dân dụng, chế biến nông sản… Sở dĩ các ngành này được ưu tiên phát triển là do sử dụng được nhiều lao động và không cần đầu tư quá nhiều vốn. Trên cơ sở các ngành ưu tiên này, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát trực tiếp về số lượng và giá cả, phân bổ vốn, kỹ thuật và ngoại hối thông qua các công cụ như hạn ngạch, quản lý giấy phép, quản lý danh mục hàng đặc biệt, trợ cấp, thuế và thuế quan,…và vẫn duy trì các chính sách bảo hộ đối với các ngành công nghiệp nặng như gang thép, hoá dầu, than,…Nhờ những chính sách công nghiệp này cùng với sự xuất hiện và phát triển của các xí nghiệp hương trấn và đặc khu kinh tế đã tạo điều kiện đã đưa công nghiệp Trung Quốc dần ổn định và đi vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn năm 1992 đến nay, cùng với việc xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và hướng ngoại, chính sách công nghiệp Trung Quốc cũng có sự thay đổi lớn. Chính sách công nghiệp giai đoạn này tập trung vào việc hợp lý hoá cơ cấu công nghiệp, phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn hướng mạnh về xuất khẩu như công nghiệp ôtô, điện tử, thông tin, hoá dầu…Những ngành này đã được Chính phủ Trung Quốc cho hưởng những ưu đãi về tài chính như thuế, trợ cấp, tín dụng. Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm tạo thuận lợi và nâng sức cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu. Những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép…dần được hợp lý hoá về cơ cấu thông qua các biện pháp điều chỉnh chính sách đầu tư. Những ngành công nghiệp cơ bản như dầu khí, năng lượng, sắt thép cũng được Chính phủ tăng cường ưu đãi về tài chính. Môi trường đầu tư được cải thiện, đầu tư nước ngoài đã chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng đầu tư, chú trọng thu hút các dự án sử dụng kỹ thuật cao. Đồng thời, Chính phủ cũng thực hiện chính sách cạnh tranh bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách tài chính và hệ thống ngoại thương, tăng cường các quy định pháp luật để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt tháng 5/2015, với việc Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một nước cường quốc chế tạo của thế giới với trình độ công nghệ tiên tiến và sáng tạo hàng đầu thế giới đã xác định mười lĩnh vực ưu tiên phát triển (Bao gồm: (1) Công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo; (2) Máy móc điều khiển số và rô bốt công nghệ cao; (3) Thiết bị hàng không và vũ trụ; (4) Thiết bị kỹ thuật hàng hải và công nghiệp dóng tàu biển công nghệ cao; (5) Thiết bị đường sắt tân tiến; (6) Phương tiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng mới; (7) Vật liệu mới; (8) Công nghệ y sinh và thiết bị y tế chất lượng cao; (9) Máy móc và thiết bị nông nghiệp, (10) Công nghiệp in 3D).
Sau khi chiến lược “Made in China 2025” được ban hành, Ủy ban Tư vấn quốc gia về Chiến lược Cường quốc sản xuất đã xây dựng Kế hoạch “Lộ trình kỹ thuật Made in China 2025” đề ra những mục tiêu chính sách công nghiệp cho các lĩnh vực và công nghệ chiến lược. Tiếp đến, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia cùng với 10 cơ quan khác của Trung Quốc soạn thảo và ban hành thông tư hướng dẫn về “Kế hoạch hành động phát triển” cho từng lĩnh vực ưu tiến, chẳng hạn ngày 13/12/2017 ban hành Thông tư hướng dẫn về “Kế hoạch hành động phát triển công nghiệp in 3D giai đoạn 2017-2020” nhằm phát triển ngành công nghiệp in 3D với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 30% với các chính sách ưu đãi nhằm hiện thực hóa chủ trương dựa vào công nghệ cao và những lĩnh vực mới nổi để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Có thể nói chiến lược “Made in China 2025” chính là định hướng phát triển cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đánh giá của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, qua 2 năm thực hiện MIC 2025 đã góp phần duy trì đà phát triển ổn định của đất nước thời gian qua, các cải cách trọng điểm và chính sách quan trọng không ngừng mang lại hiệu quả. Cơ cấu kinh tế không ngừng được ưu việt hóa, năm 2016, các ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược như chế tạo công nghệ cao giữ được đà phát triển cao, tăng 10,8%, cao hơn 4,8% so với ngành công nghiệp.
MIC 2025 đã giúp nâng cao năng lực sáng tạo, sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ khi thực hiện MIC 2025 đến nay, năng suất của 109 dự án thí điểm chế tạo thông minh giai đoạn I trong cả nước tăng trung bình 38%, hiệu suất tiết kiệm năng lượng nâng lên 9,5%, giá thành vận hành kinh doanh giảm 21%. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tổng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2015 và 2016 tăng liên tục ở trên mức 2% GDP, là nước đầu tư cho R&D đứng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong đó, đầu tư lớn nhất cho hoạt động R&D là các doanh nghiệp chế tạo, máy tính và truyền thông. Hiện nay, rất nhiều lĩnh vực ngành chế tạo của Trung Quốc đã đạt tới trình độ tiên tiến trên thế giới như: Rô bốt công nghiệp; năng lượng hạt nhân...
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Đài Loan, Trung Quốc
Giai đoạn 1945 – 1950: Tập trung tái thiết các cơ sở công nghiệp bị tàn phá trong đại chiến thứ hai, thực hiện một số dự án lớn để thúc đẩy sản xuất trong các ngành thiết yếu như dệt, phân bón và điện năng.
Giai đoạn 1951 – 1960: Đầu những năm 50, Đài Loan theo đuổi “chiến lược thay thế nhập khẩu” tạo dựng cơ sở ngành chế biến chế tạo, nỗ lực phấn đấu tự sản xuất hàng tiêu dùng cơ bản như dệt - may, chế biến thực phẩm Chính phủ khuyến khích các xí nghiệp tư nhân nhập nguyên vật liệu, bán thành phẩm và máy móc nhằm tăng hàm lượng giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển khu vực SMEs. Cuối những năm 50, Đài Loan bắt đầu khuyến khích các ngành hướng về xuất khẩu (sớm hơn vài năm so với Hàn Quốc). Việc nới lỏng kiểm soát đối với xuất nhập khẩu từ sau năm 1958, việc áp dụng một hệ thống ngoại hối thống nhất đối với xuất nhập khẩu, sự phân chia những khuyến khích về thuế và việc tài trợ lãi xuất thấp đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu, và việc áp dụng mạnh bạo đầu tư nước ngoài bắt đầu vào năm 1960 đã kích thích đầu tư của các công ty tư nhân và các công ty nước ngoài.
Giai đoạn 1961 – 1970: Tiếp tục theo đuổi chiến lược” hướng về xuất khẩu”. Thời kỳ xuất khẩu sản phẩm ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Đài Loan tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu bằng cách cung cấp sản phẩm sợi và dệt cho các công ty thương mại của Nhật Bản. Trong thời kỳ này thành lập các khu chế xuất phát triển các sản phẩm xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản đóng vai trò quan trong trong ngành sản xuất sợi nhân tạo Đài Loan, đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp nhẹ như chế tạo sợi nhân tạo, dệt, sản xuất chất dẻo. Đồng thời, tăng cường sản xuất thay thế hàng nhấp khẩu cho các ngành công nghiệp thâm dụng vốn, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, đóng tầu, hoá chất.
Giai đoạn 1971 – 1980: Đài Loan tiếp tục đẩy mạnh các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu thông qua “10 dự án lớn” vào năm 1973. Đây là thời kỳ tái cơ cấu ngành chế biến chế tạo theo hướng về thượng nguồn và hạ nguồn. Nhà nước nắm giữ các ngành công nghiệp then chốt như sắt thép, đóng tầu, hoá dầu, chế tạo sản phẩm trung gian và chế tạo máy móc được đẩy mạnh. Đầu tư của các công ty tư nhân và các công ty nước ngoài đã dẫn đến việc hình thành các ngành xuất khẩu lớn hơn, các tập đoàn kinh doanh mạnh hơn, và sự phát triển của các loại hình kinh doanh nhỏ.
Giai đoạn từ năm 1980 đến nay: là giai đoạn hiện đại hóa và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Chính quyền Đài Loan đã nhấn mạnh vào phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến, các ngành thâm dụng vốn và thâm dụng công nghệ như điện tử, máy tính cá nhân, IT, robotic, công nghệ sinh hoc. Đống thời chuyển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động của các ngành như dệt may, lắp ráp điện tử, hóa chất ra nước ngoài, trongn nước tiến đến sản phẩm thượng nguồn và hạ nguồn (nguyên vật liệu), linh kiện bán dẫn, điện tử.
Năm 1985, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển ngành công nghiệp ôto và sản xuất linh kiện ôtô. Năm 1992, Đài Loan công bố chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ôtô.
Năm 1990, Đài Loan đã giành được vị trí dẫn đầu thế giới về các sản phẩm bán dẫn, vi mạch. Đài Loan có công nghiệp ICT đứng thứ ba thế giới. Cuối những năm 1990, do sức ép của các ngành sản xuất từ Trung Quốc, Đài Loan chuyển sang công nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, công nghệ thông tin, ô tô là các “ngành công nghiệp chiến lược”.
Thập niên đầu thế kỷ XXI đến nay, Đài Loan phát triển nền kinh tế chú trọng đổi mới sáng tạo và liên kết với toàn cầu. Hiện nay, Đài Loan vẫn tiếp tục nâng cấp ngành của mình theo các hướng sau:
- Năm 2002, Đài Loan đề ra kế hoạch 6 năm phát triển kinh tế gọi là “Challenge 2008”. Hai trong bảy mục tiêu của kế hoạch này là: tăng số lượng sản phẩm và công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên 3% GDP. Trong 10 lĩnh vực được nhất mạnh có: phát triển thế hệ con người mới, đưa Đài Loan trở thành lãnh thổ kỹ thuật số và là đại bản doanh của các công ty xuyên quốc gia.
- Phát triển 6 ngành công nghiệp chủ đạo mới: du lịch, y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, văn hóa và nghỉ dưỡng, nông nghiệp cao cấp.
- Phát triển 4 ngành công nghiệp thông minh mới: điện toán đám mây, phương tiện vận tải điện (EV) thông minh, kiến trúc thông minh thân thiện môi trường, ứng dụng công nghiệp các bằng sáng chế.
- Bốn hiện đại hóa đối với 3 ngành:
+ Đối với ngành chế biến, chế tạo thì dịch vụ hóa: Phát triển các ngành công nghiệp phục vụ cuộc sống một cách thông minh và các ngành chế tạo máy công cụ thông minh (gọi chung là ngành chế biến, chế tạo theo định hướng dịch vụ).
+ Đối với ngành dịch vụ thì công nghệ hóa và quốc tế hóa: Phát triển các ngành dịch vụ công nghệ cao, cho phép ứng dụng các thành tựu của ngành công nghệ thông tin vào dịch vụ (chẳng hạn như logistic), đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ đang được quốc tế hóa, chẳng hạn như ngành dịch vụ viễn thông.
+ Đối với các ngành truyền thống thì đặc sắc hóa: Đối với các ngành công nghiệp truyền thống thì chuyển hướng sang chuyên biệt hóa, sử dụng nguyên vật liệu mới, công nghệ mới, ví dụ ngành dệt chuyển sang tập trung vào lĩnh vực thời trang sáng tạo.
Năm 2010, Đài Loan đã ban hành “Luật Đổi mới sáng tạo công nghiệp”.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Malaysia
Lịch sử nâng cấp ngành công nghiệp của Malaysia trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ khi độc lập (năm 1957) đến hết thập niên 1960, tương ứng với ba kế hoạch 5 năm (1956 - 1960, 1961 - 1965, 1966 - 1970). Trong giai đoạn này, công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa hơn là theo hướng nâng cấp nên không có ngành chiến lược. Các ngành công nghiệp được phát triển với mục tiêu để giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, tạo việc làm. Kinh tế tư nhân và FDI được khuyến khích, Luật Ưu đãi đầu tư được ban hành năm 1968.
Giai đoạn thứ hai là các thập niên 1970 và 1980, tương ứng với 4 kế hoạch 5 năm và là thời kỳ thực hiện Dasar Ekonomi Baru (DEB, Chính sách Kỉnh tế Mới). Trong thời kỳ này, Malaysia đã chuyển dịch cơ cấu ngành khá mạnh. Thập niên thứ nhất là thời kỳ phát triển mạnh ngành may và lắp ráp điện tử. Đây là hai ngành thâm dụng lao động. Ngành công nghiệp ô tô bắt đầu từ hình thức lắp ráp với mục tiêu thay thế cho nhập khẩu nguyên chiếc. Malaysia ban hành Luật Khu Thương mại Tự do vào năm 1971 và thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của mình ở Penang vào năm 1972 để thu hút FDI theo định hướng xuất khẩu, nhất là trong ngành điện tử. Các khu này tạo thành cơ sở cho các cụm liên kết ngành điện tử. Các liên kết ngược từ ba ngành may, lắp ráp điện tử và lắp ráp ô tô này bắt đầu được thúc đẩy. Để thúc đẩy phát triển các liên kết ngành, Chính phủ Malaysia ban hành Luật Hợp tác Công nghiệp vào năm 1975.
Sang thập niên thứ hai, ngành điện tử đã qua khỏi thời kỳ chỉ lắp ráp và bắt đầu các hoạt động sản xuất, với tỷ lệ linh kiện sản xuất trong nước ngày một tăng. Ngành dệt cũng bắt đầu phát triển để cung cấp phụ liệu cho ngành may. Xuất khẩu sản phẩm may và sản phẩm điện tử là trụ cột của thương mại Malaysia trong thời gian này. Cũng trong thập niên 1980, ngành ô tô có một sự đột phá khi chương trình ô tô quốc gia (ô tô có nhãn mác riêng của Malaysia) bắt đầu được triển khai từ năm 1983. Trước đó, năm 1981 "Chính sách Công nghiệp nặng" và "Chính sách Hướng Đông" được ban hành. Năm 1986, Chính phủ Malaysia công bố Quy hoạch Phát triển Công nghiệp (lần thứ nhất) và kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ năm. Cả hai kế hoạch này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp về công nghệ trong các ngành chế tạo, thừa nhận sự cần thiết phải liên kết với các công ty xuyên quốc gia để được chuyển giao công nghệ. Công nghiệp nặng mà chủ yếu là công nghiệp ô tô bắt đầu có những bước mở rộng từng bước về phía thượng nguồn.
Giai đoạn thứ ba, từ đầu thập niên 1990 tới năm 2009, là thời kỳ thực hiện Dasar Pembangunan Nasional (DPN, Chính sách Phát triển Quốc gia) và tiếp đó là Dasar Wawasan Negara (DWN, Chính sách Tầm nhìn Quốc gia). Năm 1990, Chính phủ Malaysia công bố "Kế hoạch Hành động Phát triển Công nghệ" nhằm mục đích thúc đẩy lĩnh vực chế biến chế tạo phát triển đa dạng và toàn diện. Một trong những biện pháp chủ đạo để thực hiện kế hoạch này là thu hút FDI.
Năm 1996 và năm 2006, Quy hoạch Phát triển Công nghiệp (lần thứ hai và lần thứ ba) được công bố. Quy hoạch thứ hai còn gọi là "Manufacturing plus plus" nhấn mạnh sự phát triển các liên kết ngành toàn diện và theo cách tiếp cận dựa vào cụm liên kết ngành. Ngành dệt - may của Malaysia giảm dần. Trong khi đó, ngành điện tử bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực ICT công nghệ cao. Malaysia đã đi qua giai đoạn sản xuất theo thiết kế nước ngoài trong ngành điện tử, bước sang giai đoạn phát triển sản phẩm với sự đóng góp ở phân đoạn thiết kế. Malaysia tiếp tục chương trình ô tô quốc gia và nhãn hiệu ô tô nội địa thứ hai ra đời và sau đó liên tiếp các mác ô tô mới phục vụ thị trường nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa tăng lên khá nhanh đối với các mác xe quốc gia. Quy hoạch Phát triển Công nghiệp lần thứ ba thể hiện chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp sang những ngành định hướng dịch vụ giá trị gia tăng cao.
Giai đoạn thứ tư, từ đầu thập niên 2010 tới nay. Đây là thời kỳ bắt đầu triển khai Model Economi Ваги (MEB - Mô hình Kinh tế Mới). MEB chú trọng: (1) Tăng trưởng dựa vào năng suất lao động, (2) Lấy khu vực tư nhân làm chủ đạo, (3) Tập trung vào các hoạt động kinh tế trong các vùng hội tụ ngành và các hành lang kinh tế, (4) Ưu đãi những ngành nào có khả năng công nghệ và khả năng đổi mới để phát triển các sản phẩm vả dịch vụ có giá trị gia tăng cao, (5) Phát triển và liên kết tích cực vào các mạng sản xuất và mạng tài chính của khu vực để tận dụng nguồn lực của các dòng đầu tư, dòng thương mại và ý tưởng phát triển. Công nghiệp ô tô có vẻ như không còn là ưu tiên và không còn là biểu tượng phát triển quốc gia nữa. Ngành ICT trở thành ngành chủ lực.
So với các quốc gia khác, Malaysia dường như đang ứng phó trước làn sóng CMCN 4.0 chậm hơn các quốc gia khác. Malaysia đã xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp 2010-2020 (IMP3) và chính sách mới 2013-2020 về khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) để tạo động lực cho đất nước nay bước vào kỷ nguyên của CMCN 4.0. Tuy IMP3 đã được triển khai nửa thời gian và chính sách STI mới đã được thực hiện 4 năm nhưng không kế hoạch và văn bản chính sách nào đề cập cụ thể đến việc chuẩn bị hay sẽ xây dựng một nền kinh tế dựa trên CMCN 4.0. Tuy nhiên, những định hướng và các bước thực hiện đã cho thấy Malaysia đang chuyển mình cho CMCN 4.0, chẳng hạn như IMP3 có mục tiêu là chuyển đổi Malaysia thành quốc gia “cạnh tranh toàn cầu”.
Bản Kế hoạch xác định Malaysia sẽ phát triển thành quốc gia có thu nhập cao và là một nền kinh tế hiện đại vào năm 2020 thông qua phát triển khoa học công nghệ và tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm và quy trình. Thông qua việc đưa nền kinh tế đi lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua giai đoạn “phát triển lưng chừng” sang giai đoạn nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và khai thác tài nguyên tri thức, Malaysia đặt mục tiêu trở thành quốc gia có khả năng cạnh tranh toàn cầu cùng với các quốc gia phát triển.
Bên cạnh đó, chính sách STI mới tập trung vào tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến đổi rất nhanh và cạnh tranh ngày càng gia tăng. Cho rằng chỉ có tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo mới là động lực chính cho quốc gia đi lên, Malaysia tập trung nguồn lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực và trong tất cả các chương trình nghị sự về phát triển. Thủ tướng Malayia đã kêu gọi Malaysia sẵn sàng cho CMCN 4.0 tại Hội đồng Tư vấn Khoa học Toàn cầu (GSIAC) và được nhắc lại tại cuộc họp Hội đồng Khoa học Quốc gia (NSC) vào tháng 8/2016.
Năm 2015, chương trình Phát triển khoa học công nghệ dài hạn của Malaysia đã xác định mục tiêu phát triển các ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2050. Các ngành này tập trung vào ba nhóm chính: các ngành khoa học lớn, các ngành khoa học, kĩ thuật và công nghệ mới nổi và các ngành đem lại cơ hội kinh tế cho Malaysia. Các ngành khoa học lớn gồm ba nhóm: nhóm 1 gồm các ngành đảm bảo nhu cầu cơ bản thiết yếu cho nền kinh tế (nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và đa dạng sinh học), nhóm 2 gồm các ngành đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân (nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thong vận tải, môi trường, điện và điện tử), nhóm 3 gồm các ngành xúc tác cho các khu vực kinh tế chính của Malaysia để tạo ra của cải vật chất (đồ gỗ, ô tô, sản phẩm công nghệ cao, du lịch, nhựa và vật liệu tổng hợp). Các ngành kĩ thuật và công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ nano, công nghệ xanh và trí tuệ nhân tạo là những ngành Malaysia tập trung đầu tư và đang xây dựng lộ trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đến năm 2050.
Năm 2017, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã công bố chương trình Chuyển đổi Quốc gia 2050 (Transformasi Nasional 2050 - TN50). TN50 là một bản kế hoạch phát triển dài hạn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra 3 thập kỷ phát triển tiếp theo cho Malaysia sau Chính sách kinh tế mới (NEP) để trở thành một quốc gia phát triển nằm trong top 20 của thế giới vào năm 2050. Mục tiêu đến năm 2050, Malaysia sẽ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển và bền vững, có trình độ khoa học kỹ thuật và đổ mới sáng tạo cũng như cuộc sống của người dân được thịnh vượng và có các chỉ số phát triển cũng như chất lượng cuộc sống của người dân vào top 20 của thế giới. Để đạt được các mục tiêu của TN50, Thủ tướng Malaysia cũng nhấn mạnh rằng Malaysia cần tận dụng xu thế công nghệ của CMCN 4.0 trong phát triển sản xuất thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, đổi mới cách thức quản lý, đầu tư cho giáo dục, đào tạo, xây dựng lực lượng lao động có trình độ đáp ứng được những yêu cầu của CMCN 4.0. Các biện pháp ứng phó với CMCN 4.0 cũng được Malaysia đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách hàng năm. Trong bản kế hoạch ngân sách năm 2018, Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố triển khai Chính sách Số hóa Malaysia.
Chính sách phát triển công nghiệp quốc gia của Thái Lan
Lịch sử phát triển công nghiệp hiện đại của Thái Lan có thể xem là bắt đầu từ đầu thập niên 1960 sau khi nguyên soái Sarit Thanarat đảo chính và trở thành Thủ tướng Thái Lan vào năm 1957. Thanarat đã chủ trương phát triển Thái Lan theo những hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới và tiến hành kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế lần thứ nhất của Thái Lan.
Tuy nhiên, cho đến giữa thập niên 1970 (hết kế hoạch 5 năm lần thứ ba), kinh tế Thái Lan vẫn lấy nông nghiệp làm lĩnh vực chủ đạo. Các chính sách nâng cấp ngành công nghiệp của Chính phủ Thái không rõ ràng. Thực tế, hầu hết sự can thiệp của chính phủ Thái vào nền kinh tế là để quản lý kinh tế vĩ mô, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi (đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng và thông tin liên lạc) và giữ gìn kỷ luật ngân sách. Mặc dù chính sách bảo hộ để phát triển công nghiệp theo định hướng thay thế nhập khẩu được triển khai trong thời kỳ này, nhưng các ngành chế biến, chế tạo phát triển chậm chạp và không có sự chuyển dịch cơ cấu liên ngành rõ ràng nào do không có tính kinh tế nhờ quy mô vì thị trường nội địa nhỏ và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy ngành dệt - may của Thái Lan đã mở rộng nhanh chóng trong thời kỳ thay thể nhập khẩu này. FDI đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của ngành dệt - may Thái Lan ngay từ thời gian đó.
Năm 1977, Thái Lan bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ tư. Chính sách phát triển công nghiệp theo định hướng thay thế nhập khẩu bị bãi bỏ (ngành dệt - may chuyển từ thay thế nhập khẩu sang định hướng xuất khẩu từ năm 1972) để chuyển sang chính sách hướng ngoại và tăng cường hội nhập quốc tế. Nhờ có truyền thống tự do kinh tế và một hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản tốt, cộng với chính sách thu hút FDI khôn ngoan, Thái Lan đã thu hút được đáng kể FDI vào phát triển công nghiệp và nâng cấp ngành. Tuy nhiên, thời kỳ 1974 - 1985 là thời kỳ bất ổn về chính trị và kinh tế do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Công nghiệp bắt đầu có sự chuyển biến so với thời kỳ trước, nhưng chưa rõ ràng. Phân ngành dệt - may vẫn là ngành phát triển mạnh nhất cả về giá trị sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Thời kỳ 1986 - 1996 tương ứng với 2 kế hoạch 5 năm lần thứ sáu và thứ bảy là thời kỳ kinh tế bùng nổ, nhưng kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng. Thái Lan nhanh chóng chuyển từ một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tài nguyên sang kinh tế tăng trưởng dựa vào thâm dụng lao động. Ngành dệt - may của Thái Lan tiếp tục bùng nổ xuất khẩu rồi chuyển sang giai đoạn thoái trào từ đầu thập niên 1990. Thời kỳ 1986 - 1996, Thái Lan luôn đứng trong nhóm 10 nước xuất khẩu sản phẩm dệt - may nhiều nhất thế giới. Rất nhiều công ty xuyên quốc gia đã mở nhà máy tại Thái Lan.
Nhận thấy xu hướng rõ nét của bối cảnh quốc tế khi các nước trên thế giới đang tìm kiếm theo đuổi các mô hình phát triển kinh tế mới dựa vào cách mạng Công nghiệp 4.0, Thái Lan đã công bố và bắt đầu thực hiện Chương trình Chiến lược Thái Lan 4.0. Thực tế, kinh tế Thái Lan đã trải qua 3 giai đoạn: Thái Lan 1.0 là giai đoạn phát triển nông nghiệp, Thái Lan 2.0 là giai đoạn phát triển công nghiệp nhẹ, sản xuất thay thế nhập khẩu, tài nguyên và lao động giá rẻ, Thái Lan 3.0 là giai đoạn phát triển công nghiệp nặng, khuyến khích xuất khẩu, thu hút FDI.
Tháng 7/2016, Chính phủ Thái Lan đã công bố Chiến lược quốc gia 20 năm (2017-2036) và Kế hoạch Kinh tế quốc gia và phát triển xã hội (2017-2021) được triển khai thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2021. Kế hoạch Chiến lược quốc gia 20 năm của Thái Lan được thực hiện trên 6 lĩnh vực, 6 chiến lược cơ bản và 4 chiến lược hỗ trợ. Sáu lĩnh vực bao gồm: (1) An ninh, (2) Tăng cường năng lực cạnh tranh, (3) Phát triển nguồn nhân lực, (4) Bình đẳng trong xã hội, (5) Tăng trưởng xanh và (6) Phát triển khu vực công và cân bằng. Sáu chiến lược cơ bản là: (1) Tăng cường và phát triển tiềm năng con người, (2) Đảm bảo công lý và giảm bất bình đẳng xã hội, (3) Củng cố kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh bền vững, (4) Thúc đẩy tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, (5) Ổn định quốc gia để phát triển hướng tới thịnh vượng và bền vững, và (6) Tăng cường hiệu quả quản lý khu vực công và thúc đẩy quản trị tốt. Bốn chiến lược hỗ trợ bao gồm: (1) Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics, (2) Khoa học và công nghệ, nghiên cứu và đổi mới, (3) Phát triển đô thị, vùng miền và khu kinh tế, và (4) Hợp tác quốc tế trong phát triển.
Mục tiêu chung của Thái Lan 4.0 hướng tới là: An ninh, Thịnh vượng và Bền vững.
Trên cơ sở lợi thế so sánh, phát triển lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu tương lai, Thái Lan 4.0 xác định 10 lĩnh vực ưu tiên để thực hiện bằng cách cải cách năm ngành công nghiệp hiện có của Thái Lan (hay đầu tiên) "S-Curve," và thúc đẩy năm ngành công nghiệp mới, hoặc "New S-Curve" mà Thái Lan có tiềm năng để thành công. Các ngành công nghiệp hiện có (S-Curve) bao gồm: Ô tô, điện tử, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe cho người giầu, nông nghiệp và công nghệ sinh học, và thực phẩm. Các ngành công nghiệp mới (New S-Curve), bao gồm: rôbốt, hàng không và hậu cần, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, ngành công nghiệp kỹ thuật số, và các trung tâm y tế.
Để tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy động lực tăng trưởng nền kinh tế, Thái Lan 4.0 xác định tạo ra các liên kết chặt chẽ giữa công nghệ mới, các ngành công nghiệp mới gắn với các doanh nghiệp cụ thể.
Thái Lan 4.0 chủ trương sẽ thực hiện một loạt các dịch chuyển và chuyển đổi quan trọng: chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác nông nghiệp thông minh; doanh nghiệp SME truyền thống sang doanh nghiệp thông minh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhập khẩu công nghệ sang sản xuất công nghệ; dịch vụ truyền thống sang dịch vụ giá trị gia tăng cao; lao động phổ thông sang lao động chất lượng cao, công nhân tri thức.
Thái Lan 4.0 có thể nói là kế hoạch tham vọng trong cải cách và đổi mới của Chính phủ nhằm giúp Thái Lan tận dụng được các cơ hội và lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các xu hướng hội nhập kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Chiến lược Thái Lan 4.0 này cũng được các cơ quan của Chính phủ phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện triển khai.