Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn số 5435/VPCP-ĐMDN ngày 8/8/2021 của Văn phòng Chính phủ và trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 8/8/2021, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 8/8/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo dự thảo, khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động; đồng thời nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với các địa phương trong phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cứu trợ, vận chuyển và thực hiện hoạt động thiện nguyện, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực, được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Quyết tâm cao, hành động quyết liệt bảo vệ sức khỏe của người dân và hoạt động của doanh nghiệp
Dự thảo được xây dựng trên quan điểm nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong thời gian nhanh nhất.
Kiên trì, quyết liệt, phòng chống đại dịch COVID-19 theo phương châm "chống dịch như chống giặc", đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Trong triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp.
Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Trong hành động luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.
Tập trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
Phấn đấu khoảng 01 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19
Dự thảo đặt mục tiêu là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.
Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu cụ thể sau:
- Lũy kế khoảng 01 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19;
- Khoảng 160 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất;
- Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động;
- Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...
4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính
Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, dự thảo Nghị quyết đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm: 1. Thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; 2. Đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; 3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; 4. Tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị được bổ sung vào Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 là người lao động trong các doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; người làm việc trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện các đơn hàng, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là những kiến nghị xác đáng, cần tiếp thu, điều chỉnh.
- Vừa qua trong thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 có sự chưa thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nên dự thảo Nghị quyết quy định các địa phương thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Do đó, dự thảo Nghị quyết giao các Bộ, ngành liên quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu trên.
2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
- Thời gian qua, do thiếu một số hướng dẫn cụ thể và cả việc thực hiện giữa các địa phương chưa thống nhất, gây ra tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển và trên cả đường bộ, đường thủy, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù, Chính phủ đã kịp thời có các chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc nêu trên, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thì tình trạng này đến nay chưa được giải quyết triệt để, cần tiếp tục được tháo gỡ.
- Đặc biệt, nhằm khắc phục chuỗi cung ứng, vấn đề được các doanh nghiệp và địa phương quan tâm nhất hiện nay là việc xây dựng và áp dụng phương án, mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến đại dịch COVID-19. Do đó, dự thảo Nghị quyết giao các địa phương và doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến đại dịch COVID-19 ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp (bao gồm cả việc kiểm tra và cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện).
3. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp vẫn đang còn rất khó khăn về dòng tiền, do đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng, bao gồm: đoàn phí, kinh phí công đoàn; bảo hiểm xã hội; giá điện; thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển. Các chính sách này là cần thiết nhằm giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay và cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất.
- Ngân hàng nhà nước đã tích cực ban hành và chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
- Năm 2020, Chính phủ đã cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Thực tế cho thấy các chính sách này đã phát huy tác dụng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Một số địa phương (Quảng Nam, Ninh Bình) đề xuất cho phép tiếp tục gia hạn áp dụng các chính sách này đến hết năm 2021. Do đó, dự thảo Nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách này.
4. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
- Một số vướng mắc hiện nay được doanh nghiệp phản ánh nổi lên là vấn đề cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp; thời gian làm thêm giờ; quy trình về cách ly y tế để các địa phương tiếp nhận lao động đến và trở về. Đây là những kiến nghị xác đáng và hợp lý, nên dự thảo Nghị quyết quy định giao các Bộ, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định theo hướng áp dụng linh hoạt các quy định, điều kiện phù hợp với bối cảnh mới.
- Hiện nay, việc đảm bảo nguồn cung vaccine, kịp thời tổ chức tiêm chủng cho người lao động và người dân là hết sức quan trọng nên dự thảo Nghị quyết giao Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”; vận động, thúc đẩy đối tác, cung cấp vaccine đúng cam kết; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đồng thời nghiên cứu công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng cần được đẩy nhanh nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.