Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN
Từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 11 năm 2021, Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện của các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế đến từ Đức (GIZ), Úc (ACCC) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) là cơ quan đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch luân phiên của ACCP, bà Nurul Marha binti Mohamed -Trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách người tiêu dùng, Bộ Nội thương và Tiêu dùng, Ma-lay-xi-a đã nhấn mạnh sự quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, đồng thời, đề nghị các nước thành viên tăng cường các hoạt động phối hợp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khu vực ASEAN, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử và vấn đề an toàn sản phẩm.
Tại các phiên làm việc của Hội nghị, Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên cùng nhau thảo luận về tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược bảo vệ người tiêu dùng ASEAN 2025 (ASAPCP), đảm bảo hoàn thành các mục tiêu chính của năm 2021 bao gồm việc xây dựng: (i) Hướng dẫn của ASEAN về tiêu dùng bền vững; (ii) Các công cụ học tập từ xa và tương tác trực tuyến cho người tiêu dùng ASEAN và (iii) Hướng dẫn của ASEAN về giải quyết tranh chấp người tiêu dùng trực tuyến (ODR). Hội nghị cũng thảo luận một số hoạt động trọng điểm của năm 2022, lắng nghe chia sẻ, góp ý từ các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo nghiên cứu cũng như xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị bảo vệ người tiêu dùng ASEAN lần thứ 3 (ASEAN Consumer Protection Conference) và các khóa đào tạo sắp tới.
Trong chương trình làm việc, các nước thành viên ASEAN cũng tham gia họp Ban chỉ đạo dự án (PSC) lần thứ 6 cho Dự án hợp tác ASEAN-Đức trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức (BMJV) cùng với đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã cùng nhau điểm lại một số hoạt động hợp tác nổi bật về chính sách pháp luật đối với các công nghệ mới và thúc đẩy quyền tự quyết của người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến trong thời gian qua.
Cũng trong chuỗi cuộc họp, các nước thành viên ASEAN và đại diện Ban dự án thuộc Chương trình Phát triển các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng (CAP) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do khu vực ASEAN – Úc – Niu Di-lân (AANZFTA) đã có cuộc họp lần thứ hai. Cuộc họp nhằm tổng kết các hoạt động trong khuôn khổ Dự án CAP giai đoạn I cũng như trao đổi về phương hướng triển khai các hoạt động trong giai đoạn II. Trong thời gian tới, CAP dự kiến sẽ hỗ trợ ACCP các hoạt động trong 4 nhóm lĩnh vực bao gồm: i) Hoàn thiện, củng cố pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các nước thành viên ASEAN; ii) Nâng cao năng lực cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; iii) Đẩy mạnh việc hợp tác trong và ngoài nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng; iv) Tăng cường các hoạt động phối hợp trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật cạnh tranh.
Hội nghị trực tuyến lần thứ 23 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN và một số cuộc họp liên quan khác đã diễn ra thành công. Với tư cách là một thành viên của ACCP, đại diện của Việt Nam đã tham gia chủ động và hiệu quả vào việc cập nhật cho hội nghị về tình hình công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam cũng như đóng góp ý kiến đối với nhiều hoạt động chung của hội nghị.