Thủ tướng thúc đẩy quỹ lớn hàng đầu thế giới đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam
Sáng ngày 15/5, theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Charles Kaye, Tổng giám đốc Warburg Pincus - là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Chip Kaye, Tổng giám đốc Warburg Pincus. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài
Warburg Pincus có trụ sở chính tại New York với hơn 200 chuyên gia đầu tư tại 14 văn phòng tại 10 quốc gia. Kể từ khi thành lập, Warburg Pincus đã huy động được 19 quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư hơn 94 tỷ USD vào hơn 940 công ty tại hơn 40 quốc gia. Hiện nay, Quỹ đang quản lý hơn 64 tỷ USD tài sản vốn cổ phần tư nhân, với danh mục đầu tư hoạt động của hơn 205 công ty trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, tiêu dùng, công nghệ…
Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Kể từ năm 2013, Quỹ đã đầu tư gần 2 tỷ USD để giúp xây dựng và phát triển các công ty hàng đầu Việt Nam, liên doanh với Vingroup, VinaCapital, Techcombank, Becamex, ví điện tử MoMo…; trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm và Metropole Hà Nội (liên doanh với Hanoi Tourist).
Tại buổi tiếp, ông Charles Kaye chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được hơn 2 năm qua trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các nhà lãnh đạo, trong đó có sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, cân bằng, thực tiễn và thực chất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao những hoạt động hợp tác kinh doanh có hiệu quả của Quỹ với các đối tác Việt Nam trong thời gian qua; cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ với công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.
Được Thủ tướng đề nghị trao đổi về các vấn đề đặt ra với môi trường kinh doanh của Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ quan tâm tới chính sách giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam; trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam; cùng một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án, trong đó có dự án Hồ Tràm.
Ông cũng cho rằng có 4 vấn đề mà các nhà đầu tư luôn quan tâm: Khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp nội địa; việc ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng; và khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Tập đoàn khẳng định về tổng thể, môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định của Việt Nam thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên có nhiều điểm cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, như về cơ sở hạ tầng.
Bản thân Thủ tướng từ khi nhậm chức "chưa từ chối một đề nghị đối thoại nào của doanh nghiệp"
Cảm ơn các ý kiến, Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về những quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn. Thủ tướng khẳng định tinh thần "Chính phủ hành động", bản thân Thủ tướng từ khi nhậm chức "chưa từ chối một đề nghị đối thoại nào của doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, chưa quên trả lời bất cứ bức thư nào doanh nghiệp gửi tới", ngay cả trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhất.
Cho rằng việc mở rộng đầu tư của Warburg Pincus trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là phù hợp và đúng thời điểm, trong đó có dự án Hồ Tràm hết sức tiềm năng, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn nghiên cứu tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và với mạng lưới khách hàng rộng lớn trên thế giới sẽ là cầu nối để đưa các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đến đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, thị trường vốn, chuyển đổi số, năng lượng, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung và miền núi phía Bắc, phát triển các dự án hạ tầng chiến lược.
Nếu ngài bước ra khỏi phòng này mà còn tiếp tục băn khoăn thì tôi còn băn khoăn hơn!
Thủ tướng đề nghị hai bên phát huy kinh nghiệm hợp tác trong nhiều năm qua, triển khai các hoạt động hợp tác theo hướng giản tiện thủ tục hành chính, đi vào trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao hơn, tác động lan tỏa hơn.
Trên tinh thần "chân thành, tin cậy, trách nhiệm" để giải quyết các vướng mắc, "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, tuân thủ pháp luật, hai bên cùng thắng", Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, thành công tại Việt Nam.
"Tôi muốn giải quyết dứt điểm những băn khoăn của ngài, kể cả tại dự án cụ thể mà ngài nêu ra. Nếu ngài bước ra khỏi phòng này mà còn tiếp tục băn khoăn thì tôi còn băn khoăn hơn ngài. Nếu ngài còn tiếp tục băn khoăn, chúng ta có thể tiếp tục gặp nhau tại Hà Nội", Thủ tướng chia sẻ và giao các cơ quan chức năng của Việt Nam trao đổi, giải quyết cụ thể các vấn đề với Tập đoàn này.
Tránh mất thời gian và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư
Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp ông Brendan Duval, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Glenfarne chuyên về chuyển đổi năng lượng, thành viên Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế của Mỹ (BCIU).
Trước quan tâm của Glenfarne tới lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, Thủ tướng đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan tới quy hoạch điện VIII đang được xây dựng.
Thủ tướng cho biết quy hoạch điện VIII chưa được ban hành là do phải điều chỉnh nhiều nội dung nhằm triển khai các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải tại Hội nghị COP26.
Phân tích cụ thể hơn về tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn nghiên cứu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam, tránh các khâu trung gian, tránh mất thời gian và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư, chống tiêu cực, tham nhũng.