Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
Dự và chủ trì phiên thảo luận có: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; đồng chí Đào Ngọc Dung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; đồng chí Nguyễn Thành Long - Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Nạp Tiền 188bet ; đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Lam - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ
Lắng nghe những kinh nghiệm, đề xuất, hiến kế của các đại biểu
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Với tinh thần rất cầu thị của Chính phủ và sự trân trọng tình cảm, trí tuệ, nhiệt huyết của đại biểu ưu tú thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam, những người đến từ mọi miền của Tổ quốc, công tác, làm việc tại tất cả các ngành, lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, với mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm, đề xuất, hiến kế của các đồng chí, tôi cùng 2 Phó Thủ tướng và nhiều đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng có mặt tại đây. Tại diễn đàn này, chúng tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các đồng chí nêu ra, đang là vấn đề quan tâm của đông đảo công nhân lao động. Mục tiêu của buổi thảo luận này là giúp chúng ta thống nhất nhận thức, khẳng định quyết tâm, sớm biến thành hành động cụ thể, tạo bước chuyển mới và mạnh mẽ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước".
Trước khi nêu các vấn đề để cùng trao đổi, thảo luận, Thủ tướng nhắc lại câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và “đồng hành nghĩa là cùng đi, cùng bước”. Các vấn đề Thủ tướng nêu lên gồm: Nhận xét về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, cụ thể là từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hiến kế gì cho Chính phủ để công tác điều hành đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới; đánh giá về nhóm các nhân tố về thể chế kinh tế và thực thi thể chế kinh tế ở nước ta trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nhìn nhận về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động (NLĐ); việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay như thế nào? Cần có đột phá gì? Vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay như thế nào? Đối với vấn đề công đoàn tham gia vào nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng đề nghị trao đổi vào các nội dung cụ thể: Công đoàn đã tham gia tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác như thế nào; Công đoàn đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như thế nào trong thời gian qua; Công đoàn đã tham gia cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao; Công đoàn đã thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi NLĐ như thế nào để họ yên tâm làm việc, công tác, đóng góp cho cơ quan, doanh nghiệp? Ngay sau Đại hội XII, Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đồng hành có hiệu quả với Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước?
Những gợi mở của Thủ tướng tạo điều kiện cho những ý kiến đóng góp đầy tính xây dựng của các đại biểu. Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ có thêm nhiều chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; đổi mới, sáng tạo, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, tăng cường công tác thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến những ngành sử dụng nhiều lao động và có quy hoạch cụ thể về phát triển ngành gắn với các vùng và khu vực trong cả nước… Trao đổi trực tiếp tại diễn đàn, các đại biểu trong đó có những đại biểu là CNLĐ trực tiếp nêu nhiều ý kiến liên quan đến năng suất lao động như đào tạo, nguồn nhân lực; thiết chế công đoàn.
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về thách thức và thuận lợi mà Việt Nam đang phải đối mặt, từ góc độ cán bộ công đoàn ngành Công Thương, là một ngành kinh tế được Chính phủ và Thủ tướng chính phủ hết sức quan tâm, đ/c Trần Quang Huy - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn Công Thương đã nêu những thời cơ và thách thức; đồng thời đề xuất để tổ chức công đoàn có thể đồng hành cùng Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển nền kinh tế đất nước. Về thời cơ, đ/c Huy cho rằng, những thành tựu của công cuộc đổi mới trong thời gian vừa qua đã tạo đà cho sự phát triển. Có thể nói Việt Nam là 1 trong số ít các nước đã thành công trong việc chuyển đổi từ kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà vẫn giữ được sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô. Trong nhiệm kỳ Chính phủ này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề cao quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp - đây là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam chủ động trong xu hướng hội nhập hoá, toàn cầu hoá kinh tế, từ đó quan hệ kinh tế đối ngoại của chúng ta được mở rộng. Đây là một trong những tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua và trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam có thể bắt kịp với sự phát triển của các nước trên thế giới.
Đ/c Trần Quang Huy - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn Công Thương phát biểu tại diễn đàn
Về cách thức, đ/c Trần Quang Huy cho rằng, chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường sao cho đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, duy trì ổn định của đất nước, tránh nguy cơ mất ổn định. Về kinh tế, đang có những thách thức như việc đối mặt với nguy cơ lỡ nhịp với đoàn tàu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam có nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, đây là vấn đề nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Về xã hội, phải giải quyết việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng cùng nguy cơ bất ổn xã hội. Về tổ chức công đoàn có những thách thức của mình song hành với sự phát triển đất nước mà việc đầu tiên là ký kết cam kết hội nhập. Thời gian tới, có khả năng hình thành nhiều tổ chức đại diện người lao động cạnh tranh trực tiếp với tổ chức công đoàn. Việc phát triển công đoàn ngành Công Thương phải song hành với việc phát triển kinh tế nước ngoài và các khu công nghiệp, cùng với hoạt động của các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, trong ngành Công Thương, thời gian qua việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã rất thành công; tuy nhiên, sau khi chuyển đổi cơ cấu sở hữu sẽ có nhiều thách thức.
Theo đ/c Trần Quang Huy, trước đây hoạt động công đoàn nhận được nhiều sự ủng hộ của cấp ủy đảng, lãnh đạo các tổng công ty, mà hiện nay hoàn toàn phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với hoạt động của tổ chức công đoàn. Từ thời cơ và thách thức như trên, Công đoàn ngành Công Thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đại hội một số ý kiến như sau: Tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước trong hoạt động của các tổ chức công đoàn; Chính phủ tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; Ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; Quan tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Đại biểu Phạm Công Kha - CNLĐ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - đặt câu hỏi trong thời đại 4.0, tốc độ thông tin phát triển rất nhanh, có nhiều mặt tốt cũng như mặt xấu, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để NLĐ yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ?
Trước câu hỏi của Thủ tướng về nhìn nhận thực trạng năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ góc độ người lao động, đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế, thẳng thắn cho rằng năng suất lao động Việt Nam nói chung đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Đ/c Nguyễn Khoa Hoài Hương kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có số liệu, tuyên truyền, định hướng để NLĐ chuẩn bị kỹ năng tay nghề, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; tạo ý thức chuyên nghiệp cho NLĐ, tác phong công nghiệp; thoả ước lao động tập thể cần đưa vào là phải cân bằng lợi ích vật chất giữa NLĐ và DN để tạo động lực cho NLĐ phấn đấu.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Thủ tướng đề nghị Chính phủ có những chính sách quan tâm hơn nữa để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, góp phần giải phóng cho giai cấp công nhân, từ đó để tăng năng suất lao động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trước các ý kiến trên, các thành viên Chính phủ đã trả lời và trao đổi các vấn đề về an ninh mạng, đào tạo nghề, cách mạng 4.0, trong đó có các yếu tố liên quan đến năng suất lao động, chuyển dịch lao động, tiền lương, BHXH. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ; DN phải tham gia đào tạo không chỉ cho mình mà cho mọi người; quan trọng nhất là NLĐ, từ lao động giản đơn đến trí thức đều phải đề cao chữ “học”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao đổi về tiền lương, tiền lương tối thiểu, cải tiến số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Về vấn đề quản lý mạng xã hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT - cho rằng. không gian mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt và nhiều thì tỉ lệ thông tin xấu sẽ nhỏ đi. Công đoàn cần chủ động đưa thông tin chính thống, nên chăng mỗi CĐ KCN cần có một fanpage để đưa thông tin chính thức của Công đoàn. Về vấn đề nhà ở cho công nhân KCX-KCN, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, giai đoạn 2016-2020, UBND TP.Hà Nội đã và đang phối hợp với tổ chức CĐ để xây dựng nhà ở cho công nhân theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt; cố gắng cuối năm 2018 khởi công Khu thiết chế CĐ ở KCN Quốc Oai và KCN công nghệ cao Láng, Hoà Lạc.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin, hiện nay Việt Nam có 55,2 triệu lao động, trong đó lực lượng công nhân trên 14 triệu người. Do chủ DN chưa chú trọng sử dụng NLĐ qua đào tạo vì áp lực về tiền lương, có nhiều DN chưa thích ứng công nghệ mới dẫn đến tổng thể năng suất lao động còn thấp. Theo nhận định của Bộ LĐTBXH, sẽ có những ngành bị ảnh hưởng lớn như dệt may, giày da, xây dựng, lắp ráp điện tử, do đó trong thời gian tới phải tập trung đào tạo nghề, chuyển đổi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức CĐ cần phối hợp để nâng cao vai trò chủ thể của NLĐ.
Chính phủ đã chủ động đến với người lao động
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, bám sát chủ đề, với nhiều hiến kế rất có ý nghĩa của các đại biểu, Thủ tướng cho hay những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng, tiếp thu tối đa, đầy đủ, phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng mong muốn, đề nghị CNVCLĐ cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Những điều mà Thủ tướng mong muốn NLĐ làm được là thường xuyên học tập; đổi mới tư duy, nhận thức; nâng cao ý thức kỷ luật lao động; trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên; coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết; phải luôn đổi mới, sáng tạo; nghiêm khắc đấu tranh với căn bệnh bảo thủ, trì trệ, quan liêu, sách nhiễu, vô cảm, vô trách nhiệm trong chính bản thân và đồng nghiệp của mình; Người CBCCVC phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đối với CĐVN, để tập hợp, tổ chức, vận động được đông đảo CNVCLĐ cả nước tham gia vào nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này một cách thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị CĐVN tiếp tục đổi mới tổ chức và có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ. Cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ, về xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với CĐVN, hỗ trợ CĐ trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế CĐ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thống nhất nhận thức, CNLĐ ngày đêm làm việc đóng góp xây dựng đất nước ở từng địa phương, thì chúng ta mà trực tiếp là các địa phương phải có trách nhiệm chăm lo đời sống, đảm bảo an toàn cho họ. Khi chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức CĐ chăm lo, bảo vệ tốt nhất NLĐ, đó chính là cách chúng ta huy động được cao nhất tài năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của NLĐ đóng góp cho sự nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Trong thời gian qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng. Chính phủ đã chủ động đến với người lao động, lắng nghe, chia sẻ với tổ chức công đoàn và người lao động, có sự chuyển biến về chất trong phối hợp giữa hai bên. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nhiều sự đổi mới trong việc đồng hành cùng người lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước".
Việc Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, nói chuyện với các đại biểu và tham gia chủ trì thảo luận về một chủ đề lớn, rất có ý nghĩa với Đại hội; thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tin tưởng lớn lao của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, tạo động lực mới để tổ chức Công đoàn và người lao động Việt Nam phấn đấu, nỗ lực, đạt thành tích cao hơn, to lớn hơn trong nhiệm kỳ tới.