Hội nghị lần thứ hai Nhóm Công tác chung Việt Nam-Hàn Quốc về phòng vệ thương mại và Hội thảo Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới hiện nay
Tại Hội nghị lần thứ hai Nhóm Công tác chung Việt Nam-Hàn Quốc về phòng vệ thương mại, đại diện hai cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại của Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; kinh nghiệm tiếp nhận, xử lý hồ sơ các vụ việc phòng vệ thương mại thông qua dịch vụ công trực tuyến; kinh nghiệm xem xét loại trừ, miễn trừ các sản phẩm khỏi phạm vi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và chống lẩn tránh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; kinh nghiệm về việc xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại.
Kết thúc Hội nghị, hai bên nhất trí sẽ duy trì kênh đối thoại thường xuyên, định kỳ để tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các thông tin liên quan và xây dựng năng lực cho cán bộ điều tra phòng vệ thương mại.
Hội thảo Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới hiện nay: Cập nhật và khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức vào buổi chiều cùng ngày với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực thép, vật liệu xây dựng, dệt may, da giày...
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam và Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã trình bày và cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các quy định pháp luật mới ban hành của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; các thông tin mới nhất về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới; đồng thời đưa ra các khuyến nghị để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời.
Kết thúc Hội thảo, hai cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam và Hàn Quốc khẳng định việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phải tuân thủ các quy định chung của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các quy định cụ thể được các nước nội luật hóa trên cơ sở đảm bảo tính công bằng và không gây cản trở bất hợp lý đến trao đổi thương mại. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc đang hội nhập ngày càng sâu rộng và cùng tham gia các công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, việc nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến thương mại hai nước. Vì vậy, bên cạnh việc cam kết áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, hai cơ quan điều tra thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp hai bên.