Phát triển đoàn viên, thương lượng tập thể và mạng lưới công đoàn trong ngành điện, điện tử và công nghệ thông tin
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng nhấn mạnh, đây là một dịp rất tốt để Công đoàn Ngành và các công đoàn cơ sở học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng Công đoàn Công nghiệp toàn cầu. Ông Kan Matsuzaki, Trưởng Ban Điện, Điện tử, CNTT & TT - Công đoàn Công nghiệp toàn cầu cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc giao lưu, cùng trao đổi, tập huấn nhằm kết nối mạng lưới công đoàn trên toàn cầu thuộc cùng một ngành điện, điện tử, CNTT bởi theo ông Kan Matsuzaki, đây là ngành quan trọng có môi trường làm việc đặc thù, rất cần chú trọng đến người lao động để họ có điều kiện làm việc tốt nhất, phát huy khả năng của mình một cách hiệu quả nhất.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Lý Quốc Hùng phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, các tổ chức công đoàn cần không ngừng đỏi mới hoạt động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao đông. Một nhiệm vụ hết sức quan trong đó chính là tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Theo đó, TƯLĐTT được ví như một "bộ luật lao động con" tại mỗi doanh nghiệp hoặc như chiếc "cặp hạt nhân" của tổ chức công đoàn. Một bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trong những năm qua, công đoàn các cấp đã tiến hành rà soát, thống kê, phân loại, đánh giá chất lượng TƯ; tuyên truyền vai trò của TƯLĐTT đối với người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể; phổ biến kinh nghiệm, hỗ trợ, tư cấn vác công đoàn cơ sở xây dựng, thực hiện TƯLĐTT, trong đó có TƯLĐTT cấp tổng công ty. Theo số liệu báo cáo hàng năm, số doanh nghiệp có TƯLĐTT đạt 94,56%, trong đó: doanh nghiệp nhà nước đạt 98%, ngoài doanh nghiệp đạt 93,35%, doanh nghiệp FDI đạt 87,87%. Trong số các đơn vị có TƯLĐTT, có trên 60% các bản TƯ có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Ông Quách Văn Ngọc, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Công đoàn Công Thương Việt Nam thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện TƯLĐTT trong ngành Công Thương. Cụ thể, về số lượng, số doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT vẫn chưa đạt yêu cầu, việc triển khai TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp mới chỉ có Tổng Công ty Thép Việt Nam triển khai. Về chất lượng, nhiều TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hoặc ký mới, cá biệt có TƯLĐTT có thời hạn không phù hợp với quy định của pháp luật (hơn cả 3 năm). Tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định còn thấp. Một số doanh nghiệp xây dựng, ban hành TƯLĐTT mang tính hình thức, đối phó, vẫn còn tình trạng sao chép lại một số nội dung của Bộ luật Lao động, các điều khoản thực sự có lợi cho người lao động còn ít. TƯLĐTT đạt loạt A, B chỉ khoảng 30% và ít có đơn vị sử dụng TƯ để giải quyết các mối quan hệ về lao động như chức năng của nó.
Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do không ít người sử dụng lao động, kể cả ban chấp hành công đoàn cơ sở chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT; kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế. Không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng tìm kiếm lợi nhuận, chưa quan tâm thỏa đáng đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Trưởng ban Chính sách pháp luật, Công đoàn Công Thương Việt Nam đề xuất Tổng liên đoàn tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản liên quan tới công tác thương lượng và ký kết, thực hiện TƯLĐTT; hoàn thiện phần mềm quản lý TƯLĐTT ; tổ chức các cuộc tập huấn đào tạo cho các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá chất lượng thương lượng và ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
Hội thảo diễn ra trong cả ngày 03/8, nhiều tham luận được trình bày thu hút sự quan tâm trao đổi, phản biện của các đại biểu.